Cẩn thận với tâm tưởng
Ta tưởng mình ổn mà hóa ra bất ổn, ta tưởng mình giỏi mà hóa ra cũng bình thường, ta tưởng mình mạnh mẽ mà hóa ra cũng dễ tổn thương, ta tưởng mình bao dung độ lượng mà hóa ra cũng còn nhiều toan tính thiệt hơn, ta tưởng mình thương yêu người ấy mà hóa ra ta chỉ đang cần người ấy, ta tưởng mình đã hiểu được chính mình mà hóa ra còn nhiều góc khuất chưa từng biết tới, ta tưởng mình không cần ai hết mà hóa ra ta cũng rất cô đơn nhưng tại vì không thể mở lòng, ta tưởng mình đã thay đổi nào ngờ thói quen cũ âm thầm trở lại,...
Ta tưởng người đó không có tài cán gì nhưng sự thật là họ không muốn thể hiện, ta tưởng người đó kiêu kỳ nhưng sự thật là họ thích yên lặng và chỉ tập trung vào công việc, ta tưởng người đó đang có vấn đề với ta nhưng sự thật là họ là người trực tính và muốn bảo về quyền lợi chung, ta tưởng người đó qua mặt ta nhưng sự thật là họ chưa có cơ hội hay lo ngại khi trình bày với ta, ta tưởng người ấy sống vô tâm nhưng sự thật họ đang mất kiểm soát ý thức rất nặng, ta tưởng người ấy muốn tấn công ta nhưng sự thật là họ đang bị khủng hoảng tinh thần, ta tưởng người ấy muốn phản bội ta nhưng sự thật là họ đang suy sụp,...
Tất nhiên cũng có lúc ta tưởng không tốt về ta và tưởng tốt cho người khác, nhưng thông thường thì ngược lại. Tâm tưởng ta luôn dựng lên những hình ảnh sai lạc về người khác là vì sâu thẳm bên trong ta chôn giấu nỗi sợ hãi rất lớn. Khi sợ hãi thì phản ứng chống trả để tự vệ sẽ càng quyết liệt, trong khi sự thật đối tượng đó chẳng có gì nguy hại đến quyền lợi hay tính mạng của ta cả.
Ta biết. Té ngửa nhiều lần vì phỏng đoán sai lầm thì ta cũng tự biết mình đang là nạn nhận của tâm tưởng quá nhanh nhạy và méo mó. Nhưng nếu không sử dụng tâm tưởng thì làm sao có đủ tự tin để đi tới, để khám phá, và nếu không nhờ có tâm tưởng thì làm sao ta có thể phòng hộ những rủi ro đáng tiếc? Thôi thì thà tưởng lầm rồi chấp nhận hậu quả, còn hơn là để mọi thứ diễn ra mà không kiểm soát được. Ta còn muốn kiểm soát cả thế giới này nữa kia mà!
Thật khó chấp nhận khi các nhà tâm lý trị liệu Tây phương cho rằng chúng ta ai cũng bị trầm cảm hết, chỉ khác nhau ở mức nặng hay nhẹ thôi. Trầm cảm nghĩa là thường trực sống trong suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực mà không thoát ra được, dần dà chấp nhận đó là con người mình, không thể kết nối lại với con người lành lặn trước đây.
Mọi người cho rằng ngày nay người bị trầm cảm ( mức độ nặng) quá nhiều là vì áp lực cuộc sống cũng quá nhiều. Cũng đúng. Còn một nguyên do khác cũng khá lớn, là do kinh tế phát triển mang lại nhiều thứ hấp dẫn để nắm bắt và hưởng thụ nên con người luôn sống ở bên ngoài, bỏ bê bên trong. Càng sống trong tiện nghi thì sức chịu đựng càng kém cỏi, nên chỉ cần một biến động nhỏ là đã bị sốc, bị tổn thương, bị mất cân bằng, bị suy sụp ngay. Trầm cảm cứ vậy mà hình thành.
Khi bị trầm cảm, ta nhìn thế giới này bằng một lăng kính khác: rắc rối, âm u và nhiều hiểm họa đang rình rập. Ta khép mình vào một góc vì sợ va chạm, sợ bị hiểu lầm, sợ làm không được, sợ không được chấp nhận, sợ người khác làm tổn thương,... đến nỗi ta quên mất mình từng là một con người hiên ngang trước đây. Càng sợ hãi ta càng đề phòng, tự vệ, càng khuếch đại thông tin bên ngoài hay những suy nghĩ của mình lên gấp trăm ngàn lần, thậm chí tin nó là thật trên ngưỡng 100% mà không hề muốn xét lại hay không cho ai cơ hội giúp mình thấy được sự thật.
Tâm tưởng của người bình thường đã hay sai lầm rồi, tâm tưởng của một người trầm cảm còn sai lầm khủng khiếp. Mà khi hiểu sai về con người hay cuộc sống thì ta sẽ nhốt mình trong cõi riêng ta, không tham dự được vào thế giới hiện thực. Bao nhiêu đó đủ thấy giữ tâm hồn không tì vết là quan trọng như thế nào!
Giờ hãy tập xét lại từng cái thấy của mình, đừng chắc mẻm điều gì khi tâm còn quá xao động và liên tục thay đổi. Thấy vậy mà không phải vậy?
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, #Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi.