Cần một chuyến đi

  Muốn thoát ra khỏi khuôn thước xã hội đặt để, muốn chấm dứt đời sống làng nhàng và tầm thường, muốn thả hết những " con bò" đã nuôi giữ bấy lâu, thì đó là chuyện động trời mà phải liều lĩnh, không sợ hãi, có tố chất phi thường mới làm được. Rất nhiều người muốn làm mà không làm được. Vì thiếu lá gan. Vì bị ràng buộc trách nhiệm với những gì họ đã tạo ra. Vì không vượt qua nổi sự trở ngăn của người thân. Vì không buông nổi những gì đã khổ công gầy dựng. Thì thôi, hãy để đại cuộc cho những người có đủ điều kiện, còn đủ chí khí " đỉnh thiên lập địa" làm.

  " Trần lao muốn thoát, chuyện phi thường/ Nắm chắc đầu dây, giữ lập trường". ( Trần lao quýnh thoát sự phi thường / Hệ bả thằng đầu tố nhất trường - Thiền sư Hoàng Bá)

  Thoát khỏi " giấc mơ con" để bước ra đại hồng đã là quá khó rồi, nhưng có con đường đúng đắn để đi, và đi cho tới cùng, đi cho thành công thì phải nói là thiên nan, vạn nan. Nhiều người " thoát" được nhưng không " vào" được. Có đi mà không tới. Vậy nên trước khi muốn " thoát" ta hãy dành thời gian xát lại thật nhiều lần quyết định táo bạo của mình và cả thực lực của mình nữa. Tốt nhất là nên có một chuyến đi xa.

  Đi để bước ra khỏi sư an toàn, thói quen sinh hoạt hàng ngày, để mời lên những giá trị mới mẻ bên trong. Đi để dành trọn thời gian cho bản thân để khám phá và thấu hiểu. Đi để nhìn bao quát cuộc hành trình của đời mình, xét lại những gì làm được và chưa làm được trong thời gian qua để thấy rõ lợi thế và khó khăn lớn nhất của mình. Đi để nhận ra những vướng mắc trong lòng, để mặt đối mặt với những bóng tối phiền não, nhất là nỗi sợ hãi. Đi để cho tâm hồn thư thả, để cái thấy được chính xác hơn.

  Có thể xách ba lô lên đi về miền hoang dã, đi qua các làng mạc hay miền đồi núi mà ta chưa từng đặt chân tới. Chỉ đi một mình thôi. Chỉ một mình thì mới tập trung vào mục đích của chuyến đi. Càng bớt sự tiện lợi trong chuyến đi, thêm chút thử thách hay phiêu lưu mạo hiểm, thì ta sẽ càng cọ xát với đời sống thực tế, tách ra khỏi con người cũ kỹ, nhận ra nhiều bài học giá trị từ cuộc sống xung quanh.

  Hoặc có thể xách gói đến ở tại một trung tâm thiền yên tĩnh và xa xôi nào đó. Lợi thế của sự chọn lựa này là đi thẳng vào nội tâm, nhìn thẳng vào những vấn đề bên trong của mình. Ngoài ra ở cùng với đoàn thể thiền tập nên ta có nhiều cảm hứng để phát triển liên tục năng lực tỉnh thức, nhờ đó mà thấu suốt được nhiều thứ hơn. Cái trở ngại là ta đã sẵn sàng cho cuộc chiến với chính mình chưa, sẵn sàng sinh hoạt theo thời khóa chưa, sẵn sàng để hoàn toàn quay vào bên trong chưa?

  Theo các bậc tiền bối, như thiền sư Hoàng Bá, muốn làm nên đại cuộc thì cái khó nằm ở chỗ là có giữ được lập trường kiên định hay không, vì trở ngại không chỉ nằm ở tác động bên ngoài mà cái chính là nằm ở bên trong. Tâm luôn thay đổi. Và nó luôn có lý do chính đáng để thay đổi. Mà những thứ phi thường thì không bao giờ dễ dàng đạt được, phải trầy da tróc vảy, phải thất bại liên tục, phải ngã xuống đứng lên cả trăm lần, phải đi tới bước đường cùng cho ý chí tan rã ra. Cho nên phải " nắm chặt đầu dây", đã tìm ra phương pháp hay con đường rồi thì cứ mài giũa ngày đêm, không cho gián đoạn, cứ thong thả và đều đặn, từ từ đúng độ thì hoa cũng sẽ nở thôi.

  Vậy nên chuyến đi xa phải nằm trong mục tiêu phát triển nội lực, hoặc chí ít là đánh giá chính xác nội lực của mình hay nắm vững nguyên tắc để rèn luyện.

  Dù ta không muốn làm nên chuyện phi thường, nhưng chắc cũng nên " thả bớt bò" cho cuộc hành trình nhẹ nhàng hơn. Những chuyến đi xa vài ba tuần sẽ cho ta đủ sự tỉnh táo và can đảm để làm những quyết định thay đổi cuộc sống.

 

Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm

# Làm như chơi, # Minh Niệm, # MinhNiem, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi.