#sách để có một tương lai, #thiền sư Thích Nhất Hạnh, #chữa lành, #healing, #tỉnh thức, #khổ đau

CHƯƠNG 2: Tam Bảo

Con về nương tựa Bụt, 

Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Con về nương tựa Pháp,

Con đường của nh thương  s hiểu biết.

Con về nương tựa Tăng,

Đoàn thể ca những người nguyn sống cuc đời hòa hp và tỉnh thức.

(Tam Bảo: Bụt, Pháp, Tăng)

Trong truyền thống đạo Bụt, khi phát nguyện học hỏi và hành trì Năm giới, chúng ta cũng qui y Tam Bảo. Thực tập Năm Giới tức là có niềm tin vào con đường của chánh niệm, tình thương và sự hiểu biết, bởi vì Năm Giới được làm bằng những chất liệu này. Tam Bảo cũng được làm bằng những chất liệu ấy. Chánh niệm, hiểu biết và tình thương là những giá trị phổ quát vượt ra ngoài những biên giới văn hóa. Trong mọi truyền thống tâm linh đều có những giá trị tương đương với Năm Giới và Tam Bảo.

Khi còn nằm trong bụng mẹ, chúng ta cảm thấy được bảo vệ một cách an toàn khỏi những nóng, lạnh, đói khát, và nghịch cảnh khác. Dù chưa ý thức được như bây giờ, nhưng chúng ta vẫn biết đó là nơi an ổn. Giờ phút chúng ta chào đời và tiếp xúc với nghịch cảnh, chúng ta bắt đầu khóc lên và từ lúc đó chúng ta không ngừng khát khao sự an ninh trong bụng mẹ.

Chúng ta sống trong một thế giới vô thường, đầy những khổ đau, và chúng ta cảm thấy bất an. Chúng ta ao ước sự thường hằng, nhưng mọi thứ đều biến đổi. Chúng ta khao khát một bản sắc tuyệt đối, nhưng không có những thực thể cố định, kể cả cái mà ta gọi là ‘cái ta’ của mình. Tìm nơi nương tựa, trước hết, là tìm một nơi an toàn, vững chãi, và không đổi thay, một nơi mà ta có thể trông cậy lâu dài. Chúng ta muốn một chốn như Thiên Đường, nơi có một đấng hùng mạnh, vững vàng như Đức Chúa Cha che chở cho chúng ta, và chúng ta sẽ không phải lo lắng về bất cứ điều gì. Nhưng Thiên Đường lại nằm ở tương lai.

Trong văn chương Á Đông, một số thi sĩ đã diễn đạt niềm tin cho rằng họ từng sống ở một nơi an ổn, hạnh phúc trước khi bị đày xuống trần gian, và lúc qua đời, họ sẽ có thể trở về lại được cái cõi an vui, hoan lạc đó. Lại có những người Á Đông khác tin rằng họ là những vị tiên trong những kiếp trước, nhưng vì phạm lỗi họ đã bị đày xuống trần gian. Nếu đái công chuộc tội ở đời này, họ tin mình sẽ được trở lại chốn bình an kia. Ước muốn được nương tựa là ước muốn của tất cả mọi người, mong được trở về một nơi an toàn, bảo đảm. Trong tiếng Việt, cụm từ ”Quy y” có nghĩa là “quay về và nương tựa.”

Nhưng làm sao ta có thể cảm thấy an ninh được bây giờ? Sự vật là vô thường. Nếu một hạt bắp không vô thường, nó sẽ chẳng bao giờ có thể mọc thành cây bắp. Nếu con gái của bạn không vô thường, cô ấy sẽ không bao giờ lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Nếu những chế độ độc tài không vô thường, sẽ chẳng có hy vọng gì thay thế được họ. Chúng ta cần vô thường và chúng ta nên vui vẻ nói: “Vạn tuế Vô Thường, vì nhờ đó mà sự sống có mặt.”

Trong đạo Bụt có hai cách thực tập: thực tập tín mộ và thực tập chuyển hóa Thực tập tín mộ tức là trông cậy chủ yếu vào tha lực, đó có thể là một vị Bụt hay một Thượng Đế. Thực tập chuyển hóa tức là trông cậy phần lớn vào tự lực và con đường mình đang theo. Sùng mộ vào giáo pháp khác với thực tập giáo pháp. Khi ta nói “Con về nương tựa Pháp,” ta có thể đang bày tỏ lòng tin vào Pháp, nhưng đó chưa hẳn là sự thực tập Giáo pháp. ”Tôi muốn trở thành một bác sĩ” là diễn tả cái quyết tâm muốn hành nghề y. Nhưng để trở thành một bác sĩ, ta phải bỏ ra bảy hay tám năm để học và thực tập y khoa. Khi ta nói ”Con về nương tựa nơi Bụt, Pháp và Tăng”, thì đây có thể mới chỉ là thiện chí muốn tu tập. Không phải vì thốt lên câu đó mà ta đã đang thực tập. Ta chỉ đi vào con đường chuyển hóa khi nào ta bắt đầu thực tập những điều ta tuyên bố.

Nhưng những lời tuyên bố cũng có tác dụng. Khi ta nói ”Tôi nhất định học y khoa”, thì lời nói đó đã có tác động lên trên đời sống của ta, ngay cả trước khi ta nộp đơn vào trường y khoa. Ta muốn làm điều đó, và vì sự tự nguyện và mong muốn đó, ta sẽ tìm cách đi học. Khi ta nói ”Con về nương tựa Pháp”, thì ta đang biểu lộ lòng tin tưởng vào Chánh Pháp. Ta thấy Chánh Pháp là một cái gì lành thiện, và ta muốn hướng đời mình về đó. Đó là sự sùng mộ. Khi ta học hỏi và áp dụng Chánh Pháp vào đời sống hàng ngày, đó là sự thực tập chuyển hóa. Trong mỗi tôn giáo đều có sự phân biệt giữa sự thực tập tín mộ và sự thực tập chuyển hóa.

Nhiều Phật tử tụng Tam Qui như sự thực tập tín mộ. Chúng ta cần đức tin và sự xác quyết (tin cậy) để tu tập. Trong đạo Bụt đức tin và sự xác quyết (tin cậy) có liên hệ với nhau và đôi khi có cùng một nghĩa. Tuy vậy, niềm tin mù quáng lại không được khuyến khích. Chúng ta phải thấy, phải sờ chạm, thử nghiệm và kiểm chứng sự việc trước khi thực sự tin vào chúng. Bụt, Pháp và Tăng là những gì ta có thể tiếp xúc được. Tam Bảo không phải là những vấn đề của sự ức đoán. Bụt là một người đã từng sống trong lịch sử. Cuộc đời và giáo pháp của Ngài chúng ta đã được biết. Chúng ta có thể sử dụng thời gian, năng lực và trí thông minh của mình để tiếp xúc với Bụt. Niềm tin và sự xác quyết (tin cậy) đích thực nảy sinh từ việc có tiếp xúc, không phải ai mới nói điều gì là chúng ta đã phải buộc tin ngay.

Chúng ta có thể đến thẳng với Pháp. Pháp tồn tại trong văn tự, trong truyền thống, và trong sự tu tập của con người. Ở những nơi người ta hành trì Chánh Pháp, chúng ta có thể thấy hoa trái của sự tu tập của họ. Pháp cũng là những gì cụ thể mà ta có thể tiếp xúc, thử nghiệm và kiểm chứng, và điều này dẫn đến niềm tin và sự xác quyết đích thực.

Tăng là đoàn thể tu tập Pháp. Một tăng thân tốt thể hiện được Chánh Pháp. Khi chúng ta thấy một tăng thân tu tập biểu lộ một mức độ nào đó của bình an, tịnh lạc và chuyển hóa, niềm tin và sự tin cậy sẽ phát khởi trong chúng ta. Hãy tưởng tượng tôi là một người đã từ lâu không có gì để tin tưởng cả. Tôi không có bình an. Nhưng bỗng tôi gặp một nhóm người qua sự tu tập đã chuyển hóa đến một mức nào đó. Bấy giờ tôi có niềm tin và sự xác quyết (tin cậy), và điều đó mang lại cho tôi một mức độ bình an nào đó. Sự sùng mộ trong đạo Bụt không phải là việc chấp nhận một lý thuyết mà không có sự tiếp xúc với thực tế.

Nhiều cư sĩ trong các quốc gia Phật giáo tụng: ”Con về nương tựa Bụt, con về nương tựa Pháp, con về nương tựa Tăng” nhưng lại trông cậy các thầy và các sư cô tu tập dùm cho họ. Họ yểm trợ Tăng chúng tu tập qua việc cúng dường thực phẩm, chỗ ở, và những thứ khác để giúp cho Tăng Chúng thành tựu việc tu tập Chánh Pháp. Họ cảm nhận rằng sự thực tập của một người an trú trong chân hạnh phúc mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Đây là sự thực tập tín mộ. Với những người này, khi đọc lên: ”Con về nương tựa Bụt, con về nương tựa Pháp, con về nương tựa Tăng” là đã đủ để có an lạc rồi.

Nhưng ở Bắc Mỹ và châu Âu người tại gia muốn thực tập chuyển hóa. Cộng đồng tu thiền Vipassana (minh sát) ở Tây phương chẳng hạn, gồm có những hành giả – không phải chỉ trông cậy vào người xuất gia – và có nhiều giáo thọ cư sĩ. Khi cư cư sĩ Cấp Cô Độc sắp qua đời, thầy Xá Lợi Phất , biết ông thương quí Bụt và có niềm tin nơi Pháp và nơi Tăng như thế nào, đã mời ông quán niệm về Tam Bảo. Ông Cấp Cô Độc cảm thấy vơi nhẹ hẳn, và lại được thầy Xá Lợi Phất mời quán niệm các đề tài khác thường chỉ được dành cho những vị xuất gia. Những kinh nghiệm này đã tưới tẩm những hạt giống an lạc của ông Cấp Cô Độc.

Vài tháng trước khi thị tịch, Bụt dạy các đệ tử của Ngài hãy nương tựa vào chính mình. ”Này Các vị tỳ kheo, các vị hãy là một hải đảo cho chính mình. Đừng nương tựa vào bất cứ một điều gì khác. Hãy nương tựa vào Chánh Pháp. Lấy Chánh Pháp làm ngọn đèn của mình. Lấy Chánh Pháp làm hải đảo của mình.” Ngài đã chuẩn bị rất kỹ cho việc ra đi của mình.

Bụt nói, ”Nhục thân tôi không còn đây nữa, nhưng Pháp thân (Dharmakaya) tôi sẽ luôn còn ở lại với quí vị. Nếu muốn nương tựa vào Pháp thân tôi thì bất cứ lúc nào quí vị cũng có thể làm được điều ấy.” Trong lịch sử đạo Bụt sau này, Pháp thân đã trở thành tinh thần hay linh hồn của Bụt, tức là đức Bụt thật sự, lúc nào cũng có mặt. Nếu biết cách tiếp xúc với Pháp thân, thì Pháp thân lúc nào cũng có mặt đó cho chúng ta, và con cháu chúng ta. Thấy rõ được rằng nhục thân không quan trọng bằng Pháp thân là một an ủi lớn cho các hàng đệ tử của Bụt. Ngày nay xã hội chúng ta có quá nhiều khổ nạn, như một dòng nước phăng phăng cuốn chúng ta vào biển khổ. Để tự bảo hộ, chúng ta cũng có thể thực tập làm hải đảo của tự thân.

Tăng thân (Sanghakaya) là một từ mới. Mỗi đức Bụt và mỗi hành giả đều có Tăng thân của mình. Một vị Bụt chỉ có thể thực sự là một vị Bụt khi Pháp có mặt trong vị ấy. Một người không có Pháp, thì không thể gọi là Bụt. Bụt và Pháp là hai, nhưng cũng là một. Một vị Bụt không thể có nếu không có Pháp. Pháp không thể có nếu không có Bụt. Tăng thân là đoàn thể thực tập Chánh Pháp. Nếu không có Tăng thì ai là người thực tập Pháp? Pháp không thể sờ mó được nếu không có người hành trì. Nếu muốn Chánh Pháp được hành trì, ta cần phải có Tăng. Vì vậy trong Tăng có chứa đựng Bụt và Pháp. Bụt, Pháp và Tăng tương tức với nhau. Chúng ta có thể gọi đó là Ba Ngôi của đạo Bụt: triratna (hay ratna traya), Tam Bảo. Trong Tam Bảo, mỗi Bảo chứa đựng hai Bảo kia. Khi qui y một Bảo, ta qui y luôn cả ba Bảo. Khi ta có sự tin cậy, phó thác nơi Tăng và thực tập với Tăng, ta cũng đang biểu lộ sự tin tưởng của ta nơi Bụt và nơi Pháp. Thực tập Năm Giới với Tăng thân, một cộng đồng tu tập, là rất thiết yếu. Ta cần có một Tăng thân nâng đỡ ta trong sự tu tập. Một Tăng thân đích thực luôn mang trong cốt lõi yếu tố Bụt và Pháp.

Trong đạo Bụt, thực tập tín mộ đặt nền tảng trên những gì ta có thể thấy, nghe, và tiếp xúc. Nếu chúng ta không tiếp xúc được với báo thân của Bụt, chúng ta cũng không thể tiếp xúc được với Pháp thân, hay Tăng thân của ngài. Vì chúng ta có các thông tin về cuộc đời của báo thân Bụt, lòng mộ đạo của chúng ta có cơ sở. Điều này cũng đúng trong đạo Cơ Đốc. Chúa Jesus là một người ta có thể tiếp xúc được. Những thông tin về cuộc đời và giáo lý của Ngài hiện có đó.

Trong Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Bụt nói rằng khi ta bất an, sợ hãi, thiếu tự tin hay yếu đuối, nếu ta thực tập quay về nương tựa nơi Bụt, Pháp và Tăng thì sự sợ sệt và thiếu vững chãi của ta sẽ tan biến. Ngài kể câu chuyện chiến đấu giữa vua trời Đế Thích (Sakra) và các A Tu La (Asuras.) Đế Thích ra lệnh cho các thiên binh giương lá cờ bẩy báu của mình cho tung bay phất phới. Mỗi lần họ thiếu tự tin trong việc chiến đấu với A Tu La, nếu họ nhìn vào lá cờ, họ sẽ tìm được sức mạnh và sự tự tin cần thiết. Đây là chuyện tự nhiên. Nếu ta có lòng tin nơi vị thủ lãnh, ta sẽ chiến đấu tốt với tư cách một người lính. Khi tin tưởng vào một chính nghĩa, ta có can đảm giữ vững lập trường của mình. Bụt đã dùng thí dụ này để nói về việc quay về nương tựa. Khi ta có những nghi ngờ, yếu đuối và bất an, nếu ta chuyên tâm quán tưởng về Bụt, Pháp và Tăng, ta sẽ thấy vững lại. Đây là hoa trái của sự thực tập Tam Quy dưới dạng sùng tín.

Nhưng quay về nương tựa cũng có thể là một sự thực tập chuyển hóa. Cái làm cho Bụt thành Bụt chính là sự giác ngộ, là Pháp sống tức hoa trái của sự thực tập. Tam tạng kinh điển (Tripitaka) là Pháp nhưng không phải là Pháp sống. Pháp trong các băng ghi âm, ghi hình hay trong sách vở không phải là Pháp sống. Pháp sống phải được nhận biết từ nơi một Bậc Toàn Giác, một vị Bụt, hay nơi các bậc chân tu chưa giác ngộ hoàn toàn. Tinh ba của Pháp là sự giác ngộ, tức là tính hiểu, biết.

Thực tập chánh niệm là chìa khóa để đi tới giác ngộ. Khi ta bắt đầu nhận biết điều gì, ta bắt đầu có giác ngộ. Khi ta uống một ly nước và biết rằng mình đang uống nước một cách sâu sắc với cả con người mình, sự giác ngộ ở dạng phôi thai có mặt ngay lúc đó. Giác ngộ là giác ngộ về một điều gì. Tôi giác ngộ về sự kiện là tôi đang uống một ly nước. Tôi có thể có an lạc, hạnh phúc chỉ bởi sự giác ngộ đó. Khi nhìn lên bầu trời xanh và ý thức được bầu trời xanh, bầu trời xanh trở nên có thực và ta cũng trở nên có thực. Đó là sự giác ngộ, và giác ngộ đưa tới đời sống chân thật và hạnh phúc chân thật.

Bản chất của một vị Bụt là chánh niệm. Mỗi lần ta trở về với hơi thở và thực tập thở một cách sâu sắc trong chánh niệm, ta là một vị Bụt sống. Khi chúng ta phân vân không biết phải làm gì, hãy trở về với hơi thở – hãy thở vào và thở ra một cách có ý thức – và hãy nương tựa vào chánh niệm. Điều tốt nhất phải làm trong những giây phút khó khăn là trở về với chính mình và an trú trong chánh niệm. Khi trằn trọc trên giường không thể ngủ được, điều hay nhất để làm là trở về với hơi thở. Ta an ổn và hạnh phúc biết rằng dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, ta đang làm những gì tốt nhất ta có thể làm được.

Việc quay về nương tựa Bụt, không phải như một sự sùng bái, mà như một sự thực tập đích thực, cho ta nhiều yên ủi. Mỗi khi ta cảm thấy rối ren, giận dữ, hoang mang, bất an, hay sợ hãi, ta luôn luôn có một nơi chốn để trở về. Chánh niềm về hơi thở là hải đảo của riêng ta. Nơi đó rất an toàn. ”Hãy làm hải đảo của chính mình” có nghĩa là ta nên biết cách quay về với chính mình trong trường hợp hiểm nguy, thiếu vững chãi, hay hoang mang bối rối. Sự thực tập quay về nương tựa này rất cụ thể. Khi ta trở về với hơi thở của mình – thở vào, thở ra một cách sâu sắc – và thắp sáng ngọn đèn chánh niệm trong ta, thì ta có an toàn. Trong trạng thái chánh niệm đó, ta đích thực là ta. Ngọn đèn đã được thắp rồi, khả năng thấy được sự vật một cách rõ ràng hơn giờ đây rất lớn.

Giả dụ ta đang ở trên một con thuyền vượt đại dương. Nếu gặp bão, ta hãy giữ bình tĩnh, chớ hốt hoảng. Để làm được điều đó, ta quay về với hơi thở và với chính mình. Vì ta bình tĩnh, thật sự là hải đảo của chính mình, ta sẽ biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Nếu không làm như vậy, con thuyền có thể bị lật nhào. Chúng ta tự hủy hoại mình do làm những điều mà ta lẽ ra không nên làm. Nương vào chánh niệm, ta sẽ thấy sự việc rõ ràng hơn và biết phải làm gì để cải thiện tình trạng. Điều này là một sự thực tập rất sâu sắc. Chánh niệm đưa đến định, và định đưa đến tuệ giác và trí tuệ. Đây là nơi an toàn nhất để quay về nương tựa ngay chính lúc này, chứ không phải chỉ dành cho tương lai.

Sự an toàn và vững chãi mà hải đảo của ta có thể cung cấp tùy thuộc vào sự thực tập của ta. Tất cả mọi thứ – nướng một cái bánh, dựng một căn nhà, chơi bóng – đều tùy thuộc vào sự thực tập của ta. Nếu ta là một người mới tu, thực tập quay về hải đảo tự thân mỗi khi ta thấy bất ổn, ta sẽ được hưởng phần nào yếu tố niệm, định và an. Giờ phút ta bắt đầu thực tập, Bụt, Pháp và Tăng đã có mặt cho ta đến một mức nào đó. Nhưng mức độ này không thể so sánh được với mức độ niệm, định và an của người đã tu tập lâu ngày. Ban đầu, Bụt của ta có thể chỉ là vài kiến thức ta đã đọc được về Ngài, Pháp chỉ là những gì ta nghe được từ bạn, và Tăng chỉ là một cộng đồng ta mới tiếp xúc một đôi lần. Trong khi ta tiếp tục thực tập, Bụt, Pháp và Tăng sẽ tự hiển lộ cho ta một cách toàn diện hơn. Bụt của anh không đồng với Bụt của tôi. Đồng là Bụt, nhưng mức độ hiển lộ tùy thuộc vào sự tu tập của chúng ta.

Bụt dạy rằng đời sống có ba đặc tính căn bản: vô thường, vô ngã và Niết Bàn. Giáo lý nào đi ngược lại với bất cứ một trong ba Pháp Ấn này đều không phải là giáo lý đích thực của đạo Bụt. Nếu chúng ta không biết mọi sự đều vô thường thì chúng ta sẽ đau khổ. Nếu chúng ta không biết mọi sự đều không có ngã, không có một cái ta tuyệt đối, thì chúng ta sẽ đau khổ. Nhưng không khổ đau là điều có thể có được, nhờ có Niết Bàn. Niết Bàn là sự vắng bóng của ảo tưởng về bản chất của vô thường và vô ngã. Khi ta nhìn sâu vào bản chất đích thực của thực tại, nếu ta nhận ra được bản chất của vô thường và vô ngã, ta thoát ra khỏi khổ đau. Ta có thể cho rằng Niết Bàn là điều ngược lại với vô thường và vô ngã. Nhưng nếu tiếp tục thực tập, chúng ta sẽ thấy rằng Niết Bàn được tìm thấy ngay trong thế giới của vô thường và vô ngã.

Hãy tưởng tượng đại dương với vô vàn đợt sóng. Một mặt ta thấy mọi đợt sóng đều bắt đầu bằng sinh và kết thúc bằng diệt. Sóng có thể lớn hoặc nhỏ, cao hoặc thấp. Nếu nhìn vào bản chất của sóng, chúng ta thấy rằng những đợt sóng là vô thường và vô ngã. Nhưng nếu nhìn sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy sóng còn là nước. Giờ phút sóng nhận ra mình là nước, tất cả những lo sợ về chết, vô thường, và vô ngã đều sẽ tan biến. Nước đồng thời là sóng và không-phải-sóng, thế nhưng sóng lại chỉ được làm bằng nước mà thôi. Những ý niệm như lớn hay nhỏ, cao hay thấp, sinh hay diệt chỉ có thể áp dụng với sóng, nhưng nước thì vượt thoát ra ngoài những phân biệt đó.

Niết Bàn có thể được tìm ngay trong lòng sự sống được biểu thị bằng sinh và diệt. Đó là vì sao nếu ta thực tập quy y một cách sâu sắc thì có ngày ta biết mình đã thoát khỏi sinh tử. Ta thoát ra khỏi những hiểm nạn đã và đang bức bách ta. Khi thấy được điều đó, ta có thể làm một chiếc thuyền để cưỡi trên sóng sinh tử, mỉm cười, như một vị Bồ Tát. Ta không còn sợ sinh tử nữa. Ta không phải lìa bỏ thế giới này và đi tìm một thiên đường xa xôi nào đó để được giải thoát.

Bụt hiếm khi nói tới Niết Bàn, cái không do điều kiện làm ra (vô vi), vì Ngài biết rằng nếu Ngài nói về điều đó, chúng ta sẽ dùng tất cả thời giờ của mình để nói về nó mà không chịu tu tập. Nhưng Ngài có tuyên bố vài câu rất hiếm hoi liên quan tới Niết Bàn. Chúng ta hãy đọc câu này từ Udana VIII, 3: ”Quả thật, có một cái không sinh, không có khởi đầu, không được tạo lập, không được hình thành. Nếu không có cái không sinh, không có khởi đầu, không được tạo lập, không được hình thành này, thì sẽ không thể nào có được sự thoát ly ra khỏi thế giới có sinh, có khởi đầu, có tạo lập, và có hình thành.”

Đạo Bụt thời ban đầu chưa nhuốm mùi bản thể học như đạo Bụt sau này. Bụt làm việc với thế giới hiện tượng nhiều hơn. Lời dạy của Ngài rất thiết thực. Các nhà thần học tốn rất nhiều hơi, mực, và thì giờ để nói về Thượng Đế. Đây chính là điều Bụt không muốn học trò của Ngài làm, vì Ngài muốn họ có thì giờ để thực tập samatha (chỉ, dừng, lắng), vipassana (quán, nhìn sâu), nương tựa vào Tam Bảo, Năm Giới v..v…

Ở những chỗ khác, lời dạy của Bụt tiết lộ cho chúng ta cái vô vi. Thí dụ như Ngài nói: ”Khi nhân duyên đầy đủ, con mắt được chúng ta nhận thức là có mặt. Khi nhân duyên không còn đầy đủ nữa, con mắt không được ta nhận thức là có mặt. Con mắt không từ đâu đến cả. Con mắt không đi về đâu cả.” Các ý niệm đến, đi, có, không là những miêu tả và khái niệm cần được dẹp trừ. Nếu điều gì ta không thể bàn về nó được thì tốt nhất hãy đừng bàn về nó. Wittgenstein cũng nói như vậy trong quyển Tractatus Logicos-Philosophicus của mình: ”Với những gì chúng ta không thể bàn tới được thì chúng ta chớ nên nói gì về nó.” Chúng ta không thể bàn về nó, nhưng chúng ta có thể chứng nghiệm về nó. Chúng ta có thể chứng nghiệm được cái bất sinh, bất diệt, vô thỉ, vô chung bởi vì nó chính là tự thân thực tại. Con đường để chứng nghiệm điều đó là từ bỏ thói quen nhận thức mọi sự qua các khái niệm và miêu tả. Các nhà thần học đã bỏ ra hàng ngàn năm để nói về Thượng Đế như một biểu tượng. Đây gọi là Bản-thể học, và môn này bàn về cái mà chúng ta không nên bàn về.

Đức Bụt mà chúng ta chứng nghiệm bây giờ và ở đây là chánh niệm. Chánh niệm là một tâm hành như bất cứ một tâm hành nào khác. Nó có hạt giống trong tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Nó là một viên ngọc quí vùi sâu trong lòng Đất để chúng ta phát hiện và khám phá. Khi chúng ta làm cho nó hiển lộ ra, chúng ta có thể chuyển đổi toàn bộ tình trạng. Đó là sự xuất hiện của một vị Bụt – không phải từ hư vô, không phải từ không có gì – mà từ hạt giống Bụt, tánh Bụt. Tánh Bụt, trước hết, là chánh niệm.

Sự thực tập chánh niệm là sự thực tập làm cho đức Bụt toả sáng trong giây phút hiện tại. Đây là Đức Bụt đích thực. Đó là tại sao trong Đạo Bụt Đại Thừa, Bụt đôi khi được xưng tả là Như Lai (Tathagata, ‘người từ Chân Như tới, từ thực tại như-chính-nó-là.’) Chân Như không thể diễn tả được bằng ngôn từ, hay khái niệm. Niết Bàn, chân lý tuyệt đối, thực tại như-chính-nó-là, là đối tượng của nhận thức đúng đắn và tuệ giác của chúng ta. Nhưng đối tượng của nhận thức luôn bao hàm chủ thể nhận thức. Với chánh niệm, chúng ta có thể thấy rõ bản chất thực tại. Chánh Niệm, với sự hỗ trợ của Định, hơi thở có ý thức, và sự quán chiếu trở nên một năng lực có thể xuyên thẳng sâu vào lòng sự vật. Đó không phải là ức tưởng, dùng khái niệm và ngôn từ, mà là nhìn một cách trực tiếp. Cuối cùng, bản chất đích thực của thực tại sẽ được hiển bày cho chúng ta như chính chân như. Thực tại như-chính-nó-là không thể mô tả được bằng khái niệm và ngôn từ, nhưng có thể thâm nhập được bằng Bát Nhã (prajna), sự hiểu biết đích thực. Trong mỗi chúng ta, hạt giống chánh niệm có thể được mô tả như Như Lai Tạng (tathagatagarbha).

Tất cả chúng ta đều là mẹ của Bụt, vì mỗi chúng ta đều đang thai nghén một vị Bụt. Nếu chúng ta biết cách chăm sóc em bé Bụt trong ta, thì một ngày kia vị Bụt ấy sẽ hiển lộ cho chúng ta. Đó là vì sao ở Làng Mai chúng tôi xá chào nhau, nhủ thầm: ”Sen búp xin tặng người, Một vị Bụt tương lai.” Chúng ta nhìn người kia như mẹ của một vị Bụt tương lai. Trong mỗi chúng ta đều có một vị Bụt phôi thai, hạt giống của chánh niệm, và đây là cái chúng ta cần quay về nương tựa trong đời sống hằng ngày. Bụt được cho là có mười danh hiệu, và danh hiệu đầu tiên, Như Lai, có nghĩa là ”người đã đến từ Chân Như, vẫn không rời Chân Như, và sẽ trở về Chân Như.” Cũng như Bụt, chúng ta đã tới từ Chân Như, vẫn không rời Chân Như và sẽ trở về Chân Như. Chúng ta không phải đi đâu, không đến từ đâu, và cũng không đang đi đâu cả.

Không phải chỉ có thực tại tuyệt đối là không thể nghĩ bàn. Không phải chỉ có Bụt là không thể nghĩ bàn. Tất cả chúng ta cũng đều như vậy. Không một điều gì có thể khái niệm hay bàn về được cả. Một ly nước cam chính nó đã là thực tại tuyệt đối. Chúng ta không thể nói về nước cam cho người chưa từng nếm vị nước cam. Chúng ta có nói gì đi chăng nữa, người kia cũng không thể biết được hương vị đích thực của nước cam ra sao. Chỉ có một cách duy nhất là uống nó. Cũng giống như một con rùa kể cho một con cá nghe về đời sống trên cạn. Ta không thể mô tả đất liền cho một con cá. Cá sẽ không bao giờ hiểu nổi làm sao người ta có thể thở mà không có nước. Sự vật không thể mô tả được bằng ngôn từ và khái niệm. Sự vật chỉ có thể được tiếp cận bằng kinh nghiệm trực tiếp.

Khi Wittgenstein nói: ‘Với những điều ta không thể bàn tới được, thì chúng ta chớ nên nói gì về nó’, ta có thể nghĩ rằng có những điều chúng ta có thể bàn và có những điều ta không thể bàn. Nhưng thực ra, không một điều gì có thể bàn tới, khái niệm, hay mô tả được bằng sự biểu đạt. Nếu ta bàn về những điều mình chưa từng kinh nghiệm, thì ta đang lãng phí thì giờ của mình cũng như của người. Khi ta tiếp tục sự thực tập quay về nương tựa, ta sẽ càng thấy rõ điều này, và chúng ta sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu là thì giờ, giấy mực, các hoạt động xuất bản, và có thêm thì giờ để uống trà và sống cuộc sống hằng ngày trong chánh niệm.

Danh hiệu thứ hai của Bụt là Ứng Cúng (Arhat), có nghĩa là ”Bậc xứng đáng để được tôn kính và cúng dường.” Thứ ba là Chánh Biến Tri (Samyaksambuddha), ‘Bậc tự thức tỉnh một cách đích thực.’ và toàn vẹn.” Thứ tư là Minh Hạnh Túc (Vidyacaranasampana), ” Bậc có đầy đủ công hạnh và tuệ giác.” Thứ năm là Thiện Thệ (Sugata), ”Bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu.” Thứ sáu là Thế Gian Giải (Lokavida), ”Bậc hiểu thấu thế gian.” Thứ bảy là Điều Ngự Trượng Phu (Anutta-rapurusa-damyasarathi), ”Bậc thầy điều phục cao tột của những con người có thể điều phục được.” Thứ tám là Thiên Nhân Sư (Sastadeva-manussana), ”Bậc Thầy của trời và người.” Thứ chín là Bụt (Buddha), ”Bậc Giác Ngộ.” Thứ mười là Thế Tôn (Bhagavat), ”Bậc được tôn quí trên đời.” Mỗi khi quay về nương tựa Bụt, chúng ta quay về nương tựa nơi bậc có những đặc tính này. Khi trở về nương tựa nơi chánh niệm, chúng ta trở về nương tựa nơi hạt giống của những đặc tính ấy trong chúng ta.

Trong đạo Bụt Đại Thừa, Như Lai Tạng (tathagatagarbha) tương đương với Pháp-thân (Dharmakaya.) Khi chúng ta nói về Chân Như hay Niết Bàn, chúng ta đang nói về cái mà lẽ ra không nên bàn về. Bụt hầu hết tránh nói về những điều này, nhưng thỉnh thoảng Ngài cũng đã có gợi ý bằng cách nhắc đến những điều khác. Giáo lý không đến, không đi, không có, không không đã rất rõ trong đạo Bụt buổi ban đầu. Trong đạo Bụt Đại Thừa (Mahayana), những khái niệm này đã được triển khai hết mực, đôi khi còn quá triển khai nữa. Chúng ta không nên đeo đuổi quá nhiều vào những vấn đề như vậy. Chúng ta nên giữ tính chất thực tiễn của Phật Pháp. Bằng không, chúng ta sẽ trở thành những triết gia thay vì những hành giả.

Khi thực tập quay về nương tựa nơi hơi thở của mình, tôi nói: ‘Thở vào: quay về nương tựa. Thở ra, hải đảo tự thân. Chánh niệm là Bụt – soi sáng xa gần.’ Tôi thực tập hơi thở chánh niệm như là một sự thực tập quay về nương tựa.

Chúng ta sống trong một thế giới của vô thường, vô ngã, một thế giới mà trong đó có bao nhiêu là đợt sóng đang chực chờ cuốn chúng ta đi. Chúng ta thực tập an trú trong chánh niệm như là an trú trong hải đảo của chính mình. Chánh niệm là tự thân của Bụt. Chánh niệm cũng là Pháp và Tăng. Thực tập hơi thở có chánh niệm, chúng ta chiếu ánh sáng chánh niệm vào năm uẩn (skandhas), hay năm nhóm tụ hợp của sự hiện hữu, gọi là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Trong ta có một Tăng thân (Sangha) gồm năm yếu tố, và có thể có sự thiếu hoà hợp giữa các yếu tố ấy. Khổ là hậu quả từ sự xung khắc giữa các uẩn. Hơi thở chánh niệm có thể làm lắng dịu sự xung khắc, và thiết lập lại sự hoà hợp trong ta. Hoa trái của sự thực tập này là an lạc.

Khi nhìn sâu, tính bất sinh, bất diệt, không đến, không đi sẽ hiển lộ ra cho chúng ta, và nỗi lo sợ mình có thể bị mất đi cái này hay cái kia sẽ tan biến. Ta không cần phải bỏ thế giới này. Ta không cần phải đến Thiên Đàng để nương tựa. Ta không cần phải đợi đến tương lai để có nơi nương tựa. Ta quay về nương tựa ngay ở đây và bây giờ. Chiều sâu của nơi nương tựa tùy thuộc vào sự thực tập của mình. Bụt, Pháp và Tăng luôn có đó. Như Lai Tạng luôn có đó. Chúng ta chỉ cần quay về đó để được an toàn.

Trong nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp, các nhà thần học nói về ‘ Thần học Apophatic’ hay ‘Thần học phủ định’. ‘Apophatic’ có gốc từ chữ ‘apophasis’ trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ‘phủ nhận. Ta có thể nói Thượng Đế không phải là thế này, Thượng Đế không phải là thế kia, cho tới khi ta tháo bỏ được tất cả mọi ý niệm về Thượng Đế. Thầy Long Thọ (Nagarjuna), nhà luận sư Phật giáo của thế kỷ thứ hai, đã khai triển một phép biện chứng tương tự để lấy đi các ý niệm về thực tại. Thầy không mô tả thực tại, vì thực tại là như vậy đó, không thể nào mô tả được. Khi các Phật tử trong nhà thiền nói đến việc sát Phật, họ muốn nói rằng ý niệm về Bụt phải được diệt trừ để đức Bụt đích thực được trực tiếp chứng đạt.

Ý niệm về Ba Ngôi trong phái Cơ Đốc Chính Thống khá thâm áo. Có khi những người bạn Chính Thống giáo của chúng ta nói rằng Ba Ngôi là chương trình xã hội của họ. Họ bắt đầu với đức Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha có lẽ khó tiếp xúc, tư duy và lĩnh hội hơn. Đức Chúa Cha thuộc về lĩnh vực không thể diễn đạt, và đáng được để yên trong địa hạt huyền bí đó. Đức Chúa Con và Chúa Thánh Thần thì có thể tiếp xúc được. Tương tự, trong Đạo Bụt, chúng ta nói đến việc thực tập với Pháp và với Tăng, rồi sau đó đến việc tiếp xúc với Niết Bàn, ‘Như Lai Tạng.’

Chúa Thánh Thần tạo ra Chúa Con để Chúa Con có thể dẫn dắt chúng ta đến với Đức Chúa Cha. Tôi từng nói với một tu sĩ Kitô giáo: ‘Bắt đầu bằng Chúa Thánh Thần thì an toàn hơn nhiều. Ta có khả năng nhận ra được sự có mặt của Chúa Thánh Thần bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào Chúa Thánh Thần hiển lộ. Đó là sự có mặt của chánh niệm, hiểu biết, va thương yêu, năng lượng làm nên sức sống không chỉ nơi đức Jesus mà còn nơi mỗi chúng ta. Năng lượng ấy giúp chúng ta nhận ra được đức Chúa Ngàn Đời và tiếp xúc được với nền tảng của hiện hữu là Đức Chúa Cha. Trong Đạo Bụt, Chúa Thánh Thần được gọi là chánh niệm, sự tỉnh thức, Bát Nhã (prajna), Từ (maitri), và Bi (karuna). Tiếp xúc với năng lượng này, chúng ta tiếp xúc với Bụt và Niết Bàn.’

Thuyết thần học về cái chết của Thượng Đế, tư tưởng vô thần và đạo Cơ Đốc thế tục cũng nằm trong tinh thần đó. Ta dựa vào con người của đức Jesus Christ, lời dạy và sự hành trì của Ngài. Đây là điều rất thông minh và thực dụng. Nếu ta bắt đầu với khái niệm Thượng Đế, chúng ta có thể bị kẹt. Trong Chính Thống giáo Hy Lạp, tư tưởng thần thánh hoá, cho rằng con người là hình ảnh thu nhỏ lại của Thượng Đế, là rất thú vị. Đó là điều đã rất hiển nhiên ở thế kỷ thứ tư rồi, và rất gần với truyền thống Á Đông cho rằng ‘thân người là một tiểu vũ trụ.’ Thượng Đế đã tạo ra con người để con người có thể trở thành Thượng Đế. Con người là một tiểu Thượng Đế, một mầm mống thánh thần. Điều này gần với tư tưởng Như Lai nằm trong mỗi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều đang thai nghén một đức Bụt. Theo giáo thuyết có khuynh hướng thánh hoá con người, thì con người được tạo ra để tham dự vào tính thần thánh của Thượng Đế, chứ không phải chỉ là những tạo vật riêng biệt với Thượng Đế. Sự thánh hoá không phải chỉ làm bằng phần hồn, mà còn làm bằng phần xác. Theo giáo lý Ba Ngôi Một Thể trong Chính Thống Giáo, Chúa Cha là nguồn thánh thiêng sinh ra Chúa Con. Với ‘Phúc Âm’ (‘Lời Thánh Phán’, tiếng Hy Lạp: Logos) Ngài tạo nên linh hồn sống động trong đức Chúa Con. Điều này có thể so sánh với tính bất nhị của Bụt, Pháp, và Tăng.

Điều quan trọng nhất trong một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo là mỗi bên chia sẻ cho nhau họ thực tập như thế nào. Nếu chúng ta đến với nhau trong năm hay mười ngay, thì thế nào chúng ta cũng phải có dịp để chia sẻ với nhau cách chúng ta sống đời sống hằng ngày, cách chúng ta thực tập quay về nương tựa, cách chúng ta cầu nguyện, hành thiền, v.v… Với tôi, Năm Giới là sự thực tập chánh niệm. Ba Sự Quay Về Nương Tựa cũng là sự thực tập chánh niệm. “Con về nương tựa Tăng” là một sự thực tập, chứ không phải là một sự sùng mộ.

Huyền bí trong đạo Cơ Đốc đôi khi được mô tả như bóng tối. Khoảng thế kỷ thứ ba hay thứ tư, trong Chính Thống Giáo Hy Lạp đã có khái niệm bóng tối, và khái niệm này đã trở thành nguồn gốc cho chủ nghĩa thần bí trong đạo Cơ Đốc. Bóng tối có nghĩa là ta không biết được nó; không thể thấy nó một cách rõ ràng bằng trí năng; nó bí ẩn. Khi Victor Hugo mất cô con gái, Leopoldine, ông than rằng: ‘Con người thấy chỉ một bề sự vật, Bề bên kia đang ngập chìm trong đêm đen của bí ẩn hãi hùng.’ Trong đạo Bụt, sự huyền bí được diễn tả bằng ánh sáng. Trong Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra), Bụt là ánh sáng. Nếu chúng ta được một trong những tia sáng chạm tới, chúng ta sẽ được giác ngộ. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bụt thuyết pháp dưới hình thức của đức Bụt Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), tức là đức Bụt Pháp Thân, mọi người trong chúng hội – người, trời, chư Bụt, chư Bồ Tát, thợ thuyền, vua, quan… – đều cảm nhận hạnh phúc tột cùng vì họ đã được ánh sáng từ Bụt phát ra chạm tới. Trong đạo Bụt, từ ‘vô minh’ (avidya), có nghĩa là sự thiếu trí tuệ, tuệ giác và ánh sáng. Minh (Vidya), sự hiểu biết, được làm bằng ánh sáng. Tất cả những gì huyền bí và mầu nhiệm đều nằm bên phía ánh sáng, chứ không phải bên phía bóng tối. Nó là ánh sáng, mặc dầu nó không thể nắm bắt được bằng kiến thức khái niệm.

Trong một truyện ngắn, Alphonse Daudet nói đến một người chăn cừu trên núi làm dấu thánh giá khi anh ta trông thấy một ngôi sao băng. Theo niềm tin dân gian thì lúc ta trông thấy một vì sao băng cũng là lúc một linh hồn đang bước vào thiên đàng. Làm dấu thánh giá là một hình thức trở về nương tựa nơi Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Khi bạn cho một cái gì là hiện thân của xấu ác thì bạn đưa thánh giá ra để xua đuổi nó đi. Trong đạo Bụt dân gian, khi thấy một điều gì họ nghĩ là bất thiện, người ta cũng niệm danh hiệu Bụt. Đó là sự thực tập tín mộ. Khi có ánh sáng, bóng tối sẽ tan biến.

Nhưng nếu học lý bất nhị, cái hiểu của chúng ta sẽ thay đổi. Khi bật đèn, chúng ta đọc bài kệ này như một thực tập chánh niệm:

Thất niệm  bóng đêm

Chánh niệm  ánh sáng

Đưa tỉnh thức trở về

Cho thế gian tỏ rạng.

Chúng ta có thể hiểu đây là một cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, nhưng trên thực tế đây là một sự ôm ấp. Chánh niệm, nếu được thực tập liên tục, sẽ đủ sức để ôm ấp cơn giận hay cái sợ của ta và chuyển hoá chúng. Niệm Chú không giống với việc đưa thánh giá ra để xua đuổi tà ma. Việc đối trị với cái bất thiện phải được thực tập một cách bất bạo động và bất nhị.

Trong đạo Cơ Đốc, việc trở về nương tựa được biểu đạt qua hình hài của chúa Jesus. Với một số người, hình ảnh cây thánh giá biểu lộ quá nhiều đau khổ. Phải có những cách để tượng trưng cho đức Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần như sự an bình, hỷ lạc, khác hơn là bằng hình ảnh cây thập tự. Một số người nói họ cảm thấy bình an hơn khi trông thấy hình ảnh đức Bụt ngồi mỉm cười. Nhìn một người bị đóng đinh vào thập tự giá trong hai ngàn năm có thể là quá nặng nề. Tôi rất thích sự kiện sự thực tập được biểu hiện qua một hình hài, bạn nghĩ sao với hình ảnh chúa Jesus ôm một chú cừu non? Có vẻ dễ thương hơn. Khi chúng ta ngồi thiền, sự thực tập quay về nương tựa cũng được biểu hiện nơi thân thể. Khi chúng ta lạy, thì đó cũng là hành động quy y. Cả năm uẩn đều tập trung về một hướng, chánh niệm là chỗ quy về.

Trong đạo Cơ Đốc, Lễ Ban Chịu Mình Thánh là một hành động trở về nương tựa nơi Jesus, Thượng Đế. Ít nghe nói đến việc tiếp xúc sâu sắc với Pháp và Tăng. Không có Tăng thân, cộng đồng giáo xứ, không có việc ăn bánh và uống rượu vang trong sự tỉnh giác, thì chúa Jesus sẽ không thể có mặt. Tăng thân đã trở nên quan trọng trong đạo Cơ Đốc.

Người ta không bao giờ làm Lễ Ban Chịu Mình Thánh một mình mà đến với nhau làm Lễ với tư cách một Tăng thân. Trong giáo đoàn lúc đầu, thành ngữ ‘chúng ta đều cùng một cơ thể’ thường hay được sử dụng. Nhưng hệ thống thứ bậc của nhà thờ đã trở nên nặng nề ngột ngạt, và hậu quả là Tăng thân yếu đi.

Trong thực tập đạo Bụt, chúng ta nhấn mạnh đến Tăng thân. Hành giả xa lìa Tăng thân được ví như một con hổ xa lìa núi. Một con cọp xuống đồng bằng có thể bị người ta bắt, giết. Một hành giả không có Tăng thân có thể đánh mất sự thực tập.

Tăng có nghĩa là chúng. Có bốn chúng: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ. Tôi xin thêm vào các yếu tố hỗ trợ không phải người như cỏ cây, toạ cụ, đá, nước, và chim muông. Một hạt sỏi, một tờ lá, một bông hoa thược dược, một cái cây, một con chim, một con đường   …  thảy đều đang thuyết Pháp Hoa Kinh’ (Saddharmapundarika Sutra), nếu chúng ta biết cách lắng nghe. Trong Kinh A Di Đà (Sukhavativyuha Sutra) nói rằng mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây, chúng ta đều nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, Tứ Thần Túc v.v… Cả vũ trụ đều đang thuyết và hành trì Pháp Bụt. Nếu để ý, chúng ta có thể tiếp xúc được với Tăng thân đó.

Đọc tiếp

 

sách để có một tương lai

Trích từ sách Để có m