#sách để có một tương lai, #thiền sư Thích Nhất Hạnh, #chữa lành, #healing, #tỉnh thức, #khổ đau
Ai muốn tu cũng cần phải có Tăng thân. Chúng ta phải lập những Tăng thân nhỏ quanh mình để yểm trợ mình trong việc tu học. Không có Tăng thân thì khi đuối sức chúng ta sẽ không có phương tiện để nuôi dưỡng bản thân mình. Qua việc tạo ra một Tăng thân nhỏ, chúng ta có thể tìm được một Tăng thân lớn hơn quanh ta và trong ta.
Sự thực tập quay về nương tựa có thể được làm mỗi ngày, nhiều lần trong ngày. Mỗi khi ta cảm thấy bất an, bồn chồn, buồn, sợ, hay lo lắng – thì đó là những lúc để trở về nơi hải đảo chánh niệm. Nếu ta từng thực tập trở về hải đảo tự thân khi không có vấn đề, thì khi gặp khó khăn, việc thực tập sẽ dễ dàng và thú vị hơn. Đừng đợi sóng gió ập đến rồi mới chịu quay về nơi hải đảo tự thân. Hãy thực tập quay về nơi hải đảo của chính mình bằng cách sống chánh niệm trong từng phút giây của sự sống. Nếu sự thực tập đã trở thành thói quen rồi, thì khi khó khăn đến, việc thực tập sẽ tự nhiên, dễ dàng. Thiền hành, thiền toạ, thở, ăn cơm im lặng, uống trà trong chánh niệm đều là những phép thực tập quay về nương tựa. Mỗi phép thực tập chánh niệm đều chứa đựng tất cả các phép thực tập khác. Nếu chỉ thực tập quay về nương tựa thôi, chúng ta cũng đang thực tập Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, và các pháp khác. Một Pháp môn chứa đựng tất cả các Pháp môn khác.
Quay về nương tựa không phải là vấn đề tín ngưỡng. Sự thực tập này đặt căn bản trên kinh nghiệm của chúng ta. Ta biết trong ta có hạt giống của chánh niệm. Ta có hải đảo nơi tự thân. Đây không phải là một vấn đề siêu hình. Hơi thở vào, hơi thở ra có đó; hạt giống chánh niệm luôn có đó. Quay về nương tựa là vấn đề thực tập hằng ngày. Trong các chùa, chúng ta dùng chữ ‘công phu’ (tiếng Tàu là: kung fu), có nghĩa là ‘sự thực tập hằng ngày’, chứ không phải là ‘võ nghệ.’ Một người học trò hay một vị thầy giỏi luôn biết quay về nương tựa nơi phép quán niệm hơi thở mỗi khi có lo âu, buồn bực.
Khi ta nhận tin buồn và bị chấn động, điều hay nhất để làm lúc đó là quay về nương tựa. Ở Tây phương, khi phải báo cho ai một tin buồn, ta đều mời người đó ngồi xuống. Ngồi xuống là tốt, vì ta sợ người đó sẽ xỉu. Nhưng ta cũng có thể mời người đó thở vào-ra cho được bình tĩnh và vững chãi. Ngay tin vui cũng có thể làm người ta xỉu. Nếu nghe tin mình vừa trúng số mười triệu đô, ta có thể cũng bị đứng tim mà chết.
Thực tập quay về nương tựa như vậy không phải lúc nào cũng dễ. Bởi vì chúng ta có khuynh hướng tin vào một cái ngã thường hằng, cho nên chúng ta cần thực tập cho đủ sâu để chứng nghiệm được tính không đến, không đi. Bằng không, chúng ta sẽ khăng khăng với ý niệm trước khi sinh ra, mình đã từng ở một nơi nào đó, và sau khi chết mình sẽ đi về một nơi nào đó. Vì không biết mình sẽ đi về đâu cho nên chúng ta cảm thấy sợ hãi. Giáo lý Tịnh Độ bảo đảm với người ta rằng nếu thực tập tốt bây giờ, họ sẽ được sinh về Tịnh Độ của đức Bụt A Di Đà. Còn có những Tịnh Độ khác như cõi Diệu Hỷ (Abhirati) của Bụt A Súc Bệ (Aksobhya hay Bụt Dược Sư.) Nhiều Phật tử muốn sinh về cõi trời Đâu Suất (Tushita) để được gần gũi đức Bụt Di Lặc (Maitreya), và đến khi Ngài hạ sinh về cõi Ta Bà thì họ muốn được cùng sinh về đó với Ngài. Để được sinh về Tịnh Độ, ta phải thực tập niệm Bụt (buddharusmrti.) Suốt trong đời sống hằng ngày, ta phải niệm danh hiệu Bụt và hướng tâm về Bụt. Đây là một hình thức quay về nương tựa. Ta có thể thực tập bằng cách quán tưởng về Bụt với ba mươi hai tướng tốt, hay bằng cách niệm danh hiệu Ngài. Danh hiệu của Bụt có thể gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của Ngài. Trong suốt thời gian thực tập, ta an trú trong vùng bảo hộ ấy của Bụt. Ta gần với Ngài, với hải đảo. Ta tưới tẩm hạt giống Bụt – chánh niệm và sự hiền thiện trong ta. Sau này, ta được học từ Thầy ta rằng Tịnh Độ vốn ở nơi tâm ta. Đây là những bước dần dẫn đến giáo lý không đến – không đi. Nhiều người cần một nơi để tới trước khi nhận ra rằng mình không cần phải đi đâu cả.
Chúng ta cần phải nhớ rằng Tịnh Độ là vô thường. Trong đạo Cơ Đốc, nước Chúa là nơi ta sẽ đến ở cho đến muôn đời. Nhưng trong đạo Bụt, Tịnh Độ là một thứ trường đại học, nơi ta sẽ thực tập với một vị thầy trong một thời gian, tốt nghiệp, và sau đó quay lại cõi này. Một bậc giác ngộ có tên là Bụt A Di Đà mời những ai thích pháp môn thực tập này đến thực tập với Ngài, để một ngày kia họ có thể tốt nghiệp và trở thành những bậc giác ngộ hoàn toàn. Nếu ta nhận ra rằng Tịnh Độ ở ngay trong tâm mình, như giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra), thì ta không cần một nơi chốn xa xôi, hay một khoảng thời gian nào đó để thiết lập Tịnh Độ. Ta có thể thiết lập một Tăng thân, một tiểu Tịnh Độ ngay tức thì, tại nhà.
Tôi xin trình bày lại công thức quy y cổ điển: ‘Quay về nương tựa Bụt trong con, con xin nguyện thể nhận Đạo Cả để phát được tâm vô thượng.’ Tâm vô thượng là tâm Bồ Đề (bodhicitta), ý hướng hay ý nguyện tu tập và giúp vô lượng chúng sinh cho đến khi giác ngộ hoàn toàn. Có những người thực tập chỉ để làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của mình mà không màng đến nỗi khổ niềm đau của kẻ khác. Đó không phải là tâm vô thượng.
‘Quay về nương tựa Pháp trong con, con xin nguyện đạt được trí tuệ và hiểu biết rộng lớn như biển cả.’ Pháp sống chỉ có thể được tiếp xúc qua sự thể hiện của một vị Bụt, một Tăng thân, hay một hành giả giỏi.
‘Quay về nương tựa Tăng trong con, con xin nguyện cùng với mọi loài, giúp xây dựng nên một Tăng thân không có chướng ngại.’ Nếu ta được thúc đẩy bởi ý muốn xây dựng một Tăng thân nhỏ để tu tập và làm hạnh phúc cho người xung quanh bằng sự thực tập, thì ta đang thực tập điều Nương Tựa thứ Ba. Nếu ta đau khổ vì không có niềm tin vào sự thực tập của mình, và cảm thấy sắp sửa rời bỏ tăng thân, thì đó là một điều bất hạnh. Nếu ta cảm thấy không hạnh phúc trong Tăng thân, nếu ta thấy Tăng thân mình quá khó, thì tốt nhất là hãy phấn đấu để duy trì. Chúng ta không cần một Tăng thân toàn hảo. Một Tăng thân không toàn hảo là đủ tốt rồi. Chúng ta có thể nỗ lực để biến mình trở thành một phần tử tích cực của Tăng thân, và nâng đỡ những người trong nhóm bằng nỗ lực của mình.
Tam Quy là một thực tập rất sâu sắc. Chúng ta đã đơn giản hoá cách hành văn thành những câu đơn giản để tuổi trẻ cũng có thể dễ dàng hiểu được:
Con về nương tựa Bụt,
người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp,
con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng,
đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Chúng ta biết Tam Bảo tương tức với nhau. Không có Pháp và Tăng, Bụt không phải là Bụt. Ngay cả những vị Bụt-sẽ-thành cũng cần có Pháp thân và Tăng thân. Những thân này tùy thuộc vào sự xây dựng của chúng ta. Pháp thân của chúng ta phải là một thực thể sống động, chứ không phải chỉ là một mớ tư tưởng, giáo điều. Tăng thân của chúng ta phải là một cộng đồng sinh động, chứ không phải chỉ là một mơ ước đi tìm một vùng đất hay đi tìm những con người có cùng một tâm hồn. Hay nhất là làm cho nó hiển lộ ra bây giờ và ở đây, biến
Tăng thân này thành một Tăng thân sống ngay ngày hôm nay, biến Pháp ta vừa học thành Pháp sống ngay ngày hôm nay. Nếu chúng ta có quyết tâm thì thế nào cũng thành. Lấy bài học từ Kinh Người Biết Sống Một Mình, chúng ta thực tập ngay trong giờ phút này, vui với cái hiện tại, đó là Tăng thân bây giờ và ở đây.
Một đức Bụt như Đức Thích Ca Mâu Ni có thể được nhìn qua Pháp thân và Tăng thân của Ngài. Khi tiếp xúc với Pháp thân hay Tăng thân Ngài, ta tiếp xúc được Ngài. Chúng ta không nên than rằng mình sinh ra trễ đến 2500 năm, vì vậy mà không tiếp xúc được với Ngài. Chúng ta đang tiếp xúc với Ngài. Chúng ta đang tiếp xúc với Pháp thân và Tăng thân của Ngài ngay lúc này. Tất cả những vị Bụt-sẽ-thành chúng ta cần phải thể hiện mình qua Pháp Thân và Tăng thân chúng ta. Khi có ai nói điều gì khiêu khích chúng ta, chúng ta có thể mỉm cười, quay về với hơi thở, và người kia sẽ có cơ hội tiếp xúc với Pháp thân chúng ta. Khi chúng ta cư xử có chánh niệm và từ bi, Pháp của ta là Pháp sống. Mỗi khi có khó khăn hay buồn bực, nếu chúng ta trở về với hơi thở và an trú trong hải đảo chánh niệm, mọi người có thể tiếp xúc với Pháp sống của chúng ta. Khi chúng ta có một nhóm những người bạn cùng nâng đỡ nhau trong sự tu tập, thì mỗi khi đến uống trà với chúng ta, người ta tiếp xúc với Tăng thân chúng ta.
Bụt nói Pháp thân Ngài sẽ ở lại với học trò Ngài, nhưng Pháp thân có tồn tại được hay không là tùy ở nơi họ. Nếu chúng ta không chịu thực tập thì chỉ có băng sách mà thôi, nhưng nếu chúng ta có tu tập thì Pháp thân sẽ là Pháp sống. ‘Pháp Thân’ (Dharmakaya) sau này có thêm nghĩa là ‘linh hồn của Bụt’, ‘tinh túy của Bụt’, ‘đức Bụt đích thực’, ‘nền tảng của Bụt.’ Từ này đã phát triển thêm hơi hướng bản thể học, ‘nền tảng của mọi chúng sinh’, ‘nền tảng của mọi sự giác ngộ.’ Cuối cùng, từ này trở thành một cái tương đương với ‘chân như’, ‘Niết Bàn’, và ‘tathagatagarbha’ (Như Lai Tạng.) Đó là một phát triển tự nhiên. Pháp là cánh cửa dẫn đến tất cả những nghĩa ấy. Chúng ta chỉ phải lưu tâm xem mình dành bao nhiêu thời giờ để nói về những việc này.
Pháp thân (Dharmakaya) là Bụt trong bản thể. Có khi chúng ta gọi là Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), đức Bụt bản thể, đức Bụt nền tảng, hiện thân của Pháp, luôn toả sáng, luôn chiếu soi cỏ cây, chim chóc, con người v.v… luôn phát ra ánh sáng. Chính đức Bụt đó đang thuyết Kinh Hoa Nghiêm ngay bây giờ, chứ không phải chỉ vào 2500 năm trước. Ai đã tiếp xúc với đức Tỳ Lô Giá Na thì không cần phải có đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni.) Đức Thích Ca Mâu Ni chỉ là một đạo hào quang phóng ra từ đức Bụt Tỳ Lô Giá Na. Đức Thích Ca Mâu Ni là Nirmanakaya, Ứng Hoá Thân, như một đốm sáng phóng ra từ đống lửa, một tia sáng phóng ra từ mặt trời. Ta không phải lo âu nếu một tia sáng ngừng biểu hiện. Mặt trời luôn có đó. Pháp thân luôn ở đó. Nếu ta không được nghe trực tiếp từ Thích Ca Mâu Ni, thì nếu mở tâm cho đủ, ta có thể nghe được đức Bụt Tì Lô Giá Na. Ngoài đức Thích Ca Mâu Ni còn có bao nhiêu là đức Bụt Ứng Hoá Thân đang thuyết pháp. Cỏ cây, chim chóc, trúc tím, hoa vàng đều đang thuyết cùng Diệu Pháp mà đức Thích Ca Mâu Ni đã thuyết cách đây 2500 năm. Chúng ta có thể tiếp xúc được với Ứng Hoá Thân (Nirmanakaya), qua cách này hay cách khác.
Thân đầu tiên là Pháp Thân (Dharmakaya), thân thứ hai là Báo Thân (Sambhogakaya), thân thứ ba là Ứng Hoá Thân (Nirmanakaya.) Báo Thân là thân phước trí. Ta có thể tiếp xúc với thân đó vì Bụt đã thành tựu viên mãn chí nguyện giác ngộ. Chánh niệm là nền tảng của hiểu biết, từ bi, và an lạc. Khi chúng ta thở vào, thở ra, ý thức được bầu trời xanh, thì chúng ta hưởng được niềm vui ấy. Khi chúng ta uống trà trong chánh niệm, thì chúng ta đang tiếp xúc. Bình an, hỷ, lạc là hoa trái của chánh niệm. Bụt là người thực tập chánh niệm, Ngài có vô lượng bình an, hỷ, lạc, và chúng ta có thể tiếp xúc được với thân thọ dụng này. Mỗi khi ta tiếp xúc với một yếu tố hoà hợp, toả sáng, ta tiếp xúc với Báo Thân (Sambhogakaya) của Bụt. Đó là thân phước báo, thân thọ dụng, tượng trưng cho sự an lạc của Bụt, hoa trái của sự tu tập của Ngài.
Báo thân có thể được diễn tả theo hai cách. Thứ nhất là tự thọ dụng. Thứ hai là tha thọ dụng. Khi ta thực tập chánh niệm, ta tự hưởng hoa trái của sự thực tập. Những người chung quanh ta cũng được thừa hưởng từ hạnh phúc và hoa trái của sự thực tập của ta. Khi một người có an lạc, sự an lạc ấy toả ra quanh họ cho những người khác được hưởng. Nếu ta thực tập giỏi, ta sẽ có thể gửi nhiều Báo Thân vào cuộc đời để giúp làm vơi nhẹ khổ đau của chúng sinh. Một người có khả năng chuyển hoá nhiều chúng sinh nếu người ấy biết cách khám phá hạt giống giác ngộ trong mình.
Một hôm, khi đang ở trên máy bay, tôi có ý nghĩ này: Giả dụ phi công báo tin máy bay sắp sửa rơi ầm xuống thì tôi sẽ làm gì? Rõ ràng là tôi sẽ thực tập hơi thở và nụ cười có chánh niệm. Đó là điều hay nhất tôi có thể làm được trong giờ phút ấy. Và nếu ở dưới này, các bạn biết rằng tôi đang thực tập thở và cười trong giờ phút khó khăn ấy, thì các bạn sẽ có niềm tin nơi chính mình. Cốt yếu là chúng ta đừng đợi cho đến giờ phút nguy ngập ấy mới bắt đầu thực tập.
Tôi luôn thực tập hơi thở chánh niệm trong suốt thời gian máy bay cất cánh và hạ cánh. Không có nghĩa là ngoài những lúc ấy tôi không thực tập, nhưng tôi không bao giờ quên thực tập trong những lúc ấy. Điều đó không phải vì tôi sợ mà vì nó đã trở thành một thói quen. Tôi bay qua bay lại quá nhiều. Tôi còn có thói quen thực tập thiền hành ở các phi trường. Tôi luôn tìm cách ra phi trường sớm để không phải vội vàng khi đến đó. Ai nấy đều vội vã, nhưng tôi biết chúng ta có thể bình tĩnh và đi thiền hành được, ngay cả ở phi trường.
Tam Bảo và Năm Giới đều là những giáo lý về sự thực tập chánh niệm. Tam Bảo chứa đựng mọi giáo lý và là nền tảng của mọi thực tập. Đây là loại thực tập ta có thể đo lường. Ta sẽ thấy được sự tiến bộ của mình. Sự tin tưởng và đức tin nơi Tam Bảo của ta sẽ lớn mạnh mỗi ngày.
Thực tập tín mộ và thực tập chuyển hoá nghe có vẻ như hoàn toàn khác biệt, nhưng điều đó không đúng. Cả hai đều là những thực tập tích cực (chủ động.) Thực tập tín mộ cũng có thể là thực tập chuyển hoá. Thực tập tín mộ nương nhiều vào tha lực, dù cũng có tự lực. Thực tập chuyển hoá thì nương vào những gì mình có, nhưng vì ta cần thầy, cần Tăng thân, ta cũng phải nương vào kẻ khác. Sự khác biệt không tuyệt đối, nhưng có sự khác biệt.
Thực tập chánh niệm có thể được tìm thấy trong cả hai phép thực tập tín mộ và chuyển hoá. Nhiều người cho rằng thực tập chánh niệm là thực tập duy nhất của đạo Bụt. Hơi thở chánh niệm hợp nhất lại thân tâm. Đó là điều kiện trước tiên để tiếp xúc với những gì ta muốn tiếp xúc, kể cả đấng cao cả. Khi thực tập hơi thở chánh niệm, ta trở nên an ổn, vững vàng, và con người ta đã bước lên một bậc cao hơn.
Trích từ sách ĐỂ CÓ MỘT TƯƠNG LAI của thiền sư Thích Nhất Hạnh