Đã đến lúc siết chặt tay chưa?

  Đại thần Varsakara được đức vua Ajatasatru của xứ Magadha, Ấn Độ, cử đến gặp Đức Phật để thỉnh ý về việc muốn đem quân chinh phạt xứ Vajjis, vì theo báo cáo là họ rất cứng đầu, không chịu tuân phục nhiều mệnh lệnh của đức vua.

  Đức Phật không có làm chính trị, nhưng trí tuệ vượt tầm thiên hạ và hơn nữa cũng từng là một thái tử tài ba xuất chúng, nắm vững nhiều sách lược chính trị.

  Thay vì trả lời thẳng, Đức Phật lại muốn đại thần Varsakara nghe thêm những thông tin khác từ một người kết nối thường xuyên với người dân xứ Vajjis, Đại Đức Ananda.

  Đây là bảy câu hỏi mà Đức Phật đặt ra và sau này trở thành " bảy pháp bất thối" ( bảy cách giúp không lung lay) trong việc xây dựng sức mạnh đoàn thể.

  1. Các vị lãnh đạo và thần dân có hòa thuận, kính trên nhường dưới không?

  2. Hệ thống gia đình có bền vững và được đề cao không?

  3. Mọi người có tôn trọng luật lệ, sống đúng với pháp luật đã ban hành không

  4. Mọi người có nơi nương tựa tinh thần, tu dưỡng đạo đức không?

  5. Thanh niên có rèn luyện nghị lực để sẵn sàng gánh vác trọng trách không?

  6. Thanh niên có nhóm họp để học hỏi lẫn nhau và nhìn về cái chung không?

  7. Từ cấp lãnh đạo tới thường dân, khi hội họp và giải tán có trong tinh thần đoàn kết và hoan hỷ không?

  Cả bảy câu hỏi trên đều được Đại đức Ananda xác nhận là " có".

  Bấy giờ Đức Phật mới hỏi đại thần Varsakara nghĩ như thế nào và vị ấy đã thành thật chưa: " Dạ, chỉ cần họ có một trong bảy điều đó thôi thì chứng tỏ dân nơi đó rất đồng lòng, đoàn kết, và khó có sức mạnh nào có thể phá nổi ạ".

  Trong quá khứ dân tộc Việt đã từng kiên cường quật khởi, đánh bại nhiều cường quốc xâm lược, đứng lên lật đổ các triều đại mục nát, chống chọi thiên tai địch họa. Thế nhưng, hiếm khi trong lịch sử nhìn thấy toàn dân Việt đồng lòng xây dựng hệ thống pháp luật chuẩn mực, một nền tảng dân chủ đúng nghĩa. Mà nếu không có gì làm thước đo công bằng cho mọi sự vận động của xã hội, thì cảnh nồi da xáo thịt sẽ diễn ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, chứ đừng nói chi đến lúc có giặc ngoại xâm.

  Kinh tế một khi vượt quá xa mà nền tảng pháp luật lại không vững, đạo đức suy yếu, thì lòng tham vô tận của con người sẽ không có gì để quản chế, mà nó lại là nguyên nhân chính yếu gây ra bao sự chia rẽ, đối nghịch, tương tàn, hủy diệt.  Mà nền tảng pháp luật hay đạo đức được xây dựng bằng cách nào, chất liệu gì, bắt đầu từ đâu, ai sẽ là người sống gương mẫu thì phải hỏi các nhà lãnh đạo đương thời và cả tương lai, chứ không chỉ trông cậy vào sự nỗ lực đơn độc của mỗi cá nhân.

  Các nhà lãnh đạo phải thực sự đoàn kết, phải có tấm lòng lớn để chỉ nhìn về lợi ích chung, phải can đảm buông xuống những lợi ích riêng, những hận thù, phải thương yêu dân mình như con mà không có bất cứ nghi kỵ, thù ghét. Như Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, phát biểu: " Những nhà lãnh đạo đích thực phải sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự tự do của người dân của họ". Đây cũng là chính phần " hồn" trong " bảy pháp bất thối"

  Sau 27 năm lao tù, Nelson Mandela vẫn vui vẻ bắt tay với người da trắng - những kẻ đã cầm tù mình, mục đích không gì khác hơn là để hòa giải dân tộc, đưa dân tộc thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Ông đã từng chia sẻ: " Khi tôi bước tới tự do, tôi biết rắng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi sẽ vẫn ở trong ngục tù". Chính nhân cách lớn đó khiến ông không chỉ trở thành vị tổng thống vĩ đại của Nam Phi, mà còn là biểu tượng cho sự hòa giải của nhân loại.

  Người " đàn bà thép" Aung San Suu Kyi sau 21 năm bị cầm  tù tại nhà có thể chủ động bắt chặt tay với người giam giữ mình, tường Min Aung Hlaing, để chấm dứt chế độ độc tài quân sự 25 năm trời với bao nỗi sợ hãi, súng ống và nhà tù, để rồi đưa Miến Điện trở thành một quốc gia dân chủ và hòa ái. Để thúc đẩy tinh thần đấu tranh tự do, bà lên tiếng: " Con người luôn muốn được tự do. Dù mỗi người cố gắng giấu điều đó bao lâu đi chăng nữa, có chấp nhận bị đàn áp thì vẫn có lúc họ vùng dậy. lúc ấy, họ sẽ khám phá ra rằng mình làm được những thứ vượt ngoài khả năng suy nghĩ của bản thân, đơng giản bởi bản năng con người luôn hướng về tự do".

  Ý thức được những gì xảy ra cho dân tộc thì sẽ xảy ra cho cá nhân và những gì xảy ra cho cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến dân tộc, vậy ta tiếp tục chọn cách sống thờ ơ như kẻ không thuộc về dân tộc này hay sẽ hành động như người trong cuộc? Đã đến lúc ta phải thay đổi, phải trưởng thành, phải mở rộng tầm nhìn và cùng gánh vác trọng trách mà tổ tiên để lại. Đã đến lúc chúng ta phải siết chặt tay nhau rồi!

 

Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm.

# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # MinhNiem.