Giảm thiểu khổ đau
Cuộc sống là chuỗi tập hợp của những điều như ý và bất như ý và nó diễn ra theo cách riêng của nó, nhân duyên của nó, quy luật của nó, lý do của nó mà ta không thể can thiệp được. Có thì cũng chút thôi. Vậy để không chống lại sự vận hành đó, để sống an ổn trong trời đất này, ta phải học cách chấp nhận những điều như ý cũng như những điều bất như ý càng nhiều càng tốt.
Phải học, phải luyện thôi, chứ không thể nào chấp nhận hết mọi điều liền được. Mà không phải chỉ học cách chấp nhận những điều bất như ý thôi, phải học cách chấp nhận luôn những điều như ý nữa. Cái nào cũng khó hết, vì nếu không biết cách đón nhận những điều như ý hay bất như ý thì ta cũng sẽ dễ dàng trở thành nạn nhận của nó, bị nó quật ngã tả tơi rồi cứ trách lẫn trời xa trời gần.
Có những điểm quan trọng sau đây mà ta cần nắm rõ, hiểu cho đúng, cho có chánh kiến về cuộc đời này thì ta sẽ giảm thiểu được rất nhiều khổ đau.
Trước hết, khi ta nói đó là những điều như ý và những điều bất như ý thì phải biết là ta đang đứng ở góc độ của quyền lợi cá nhân của ta, của bản năng sinh tồn và tự vệ của ta, của tình trạng và trình độ tâm thức của ta, của sức chịu đựng và bản lĩnh của ta, chứ không hẳn ai cũng thấy như vậy.
Dĩ nhiên có những điều mà hầu hết mọi người ai cũng thấy đó là bất như ý, không ai muốn, như thất bại, mất mát, chia lìa, rủi ro tai nạn, bệnh tật,... nhưng có vô số điều khác nó có thể là bất như ý với người này nhưng chưa chắc là bất như ý với người kia. Như ý cũng vậy, chắc ai cũng cho là được thăng chức, được công nhận, thành công, yêu thương,... là điều như ý, nhưng cũng có cả khối điều khác là điều mong mỏi của người này nhưng chẳng là gì đối với người kia.
Như đã từng nói, tâm ta rất vô thường, lúc nó thích và muốn gì mà hoàn cảnh và đối tượng đáp ứng được thì nó thấy thỏa mãn, gọi là như ý; nhưng khi nó không còn thích nữa, nó không muốn nữa mà hoàn cảnh và đối tượng vẫn cứ diễn ra y như vậy, như trước đây, thì nó lại thấy bất mãn, gọi là bất như ý. Phải coi chừng tâm ham muốn bất chợt và tâm mau chóng nhàm chán, hai thứ này luôn khiến ta chao đảo và có thái độ thay đổi liên tục với cuộc sống.
Trình độ nhận thức cũng rất quan trọng vì nó dẫn dắt cảm xúc, thái độ phản ứng của ta. Trải qua nhiều thăng trầm, nhiều người cũng rút ra được một số hiểu biết về bản chất đời sống, hoặc cơ duyên may mắn nào đó hay do tu luyện mà họ ngộ ra được cơ chế tâm thức của con người, nên họ có thể để cho mọi việc cứ xảy ra một cách tự nhiên mà ít khi " nhúng tay" vào cho điều này là như ý hay điều khia bất như ý, hoặc dù có thấy điều như ý cũng không cho đó là hạnh phúc bền vững hay điều bất như ý là nguyên nhân dẫn tới khổ đau. Họ không đề cao ngoại cảnh. Sao cũng được. Đơn giản vì họ không còn nhiều nhu cầu ở bên ngoài, không còn đặt tâm ý ở bên ngoài, vì vậy hạnh phúc và khổ đau cũng không đến từ bên ngoài. Nói cách khác là họ có đời sống bên trong, yên ổn, chắc chắn và rất đẹp.
Sức chịu đựng là yếu tố cũng rất quan trọng góp phần quyết định cho điều bất như ý có biến thành khổ đau hay không. Mặc dù nhận thức thì đã biết rồi, biết bất như ý chỉ là bất như ý và rồi cũng sẽ qua nếu ta chấp nhận nó, nhưng gặt nỗi trái tim không đủ lớn, không đủ mạnh mẽ, nên dù muốn chấp nhận cũng không chấp nhận được. Muốn trái tim lớn thì cần phải trải nghiệm nhiều, và sức chịu đựng giãn nở ra chứ không thể hô biến liền được. Thiền tập giúp được rất nhiều, vì nếu kịp thời nhận ra và quan sát được suốt tiến trình từ khi ta thấy đó là điều bất như ý đến phát sinh phản ứng chống cự, thì nó sẽ không thể lớn dậy và bung ra lời nói hay hành động.
Lẽ dĩ nhiên, đối với những điều nguy hiểm hay tổn hại nếu tránh được thì cứ tránh, nhưng đừng tránh tất cả. Bởi vì có những thứ không xấu tệ như ta nghĩ, và có những thứ cần để nó tồn tại vì nó giúp ta tăng thêm sức chịu đựng và ý thức được những may mắn, thuận lợi mà mình đang có để biết nâng niu, giữ gìn.
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
#Lamnhuchoi, #MinhNiem, # Minh Niệm, # Làm Như Chơi