1) THẦY CHỈ CÁCH VƯỢT QUA ĐAU KHỔ
Lúc nào thân ở đâu tâm ở đó, thân ở hiện tại tâm cũng ở hiện tại thì khổ đau không có chỗ để đi vào. Khổ đau nó có thể rượt tới đó rượt tới cái nơi mà chúng ta đang ở, nhưng mà nó ở vòng vòng đâu đó mà không vô được. Nó chờ khi tâm chúng ta sơ hở, nghĩ về quá khứ cái là nó vô liền. Nhớ tới nó là nó vô liền, nó đang chờ chực đó,
Cho nên mình phải giấu tâm mình lại, giữ tâm trên đề mục trên bài thực tập nào đó, thí dụ như trên hơi thở, quý vị kiên trì với hơi thở, thở vào biết đó là hơi thở vào, thở ra biết đó là hơi thở ra. Khi mình uống nước biết là mình đang uống nước, cảm nhận được nước đi vào trong cổ họng. Khi mình ăn cơm, mình ý thức là mình đang ăn cơm và tập trung để ăn cơm. Vì nếu phóng tâm đi là khổ đau sẽ bước tới.
2) TẬP BỚT PHẢN ỨNG VỚI NHỮNG ĐIỀU TRÁI NGHỊCH
Chúng ta biết rằng là không cần phản ứng cũng có thể giải quyết được vấn đề, thậm chí là không cần phản ứng mà vấn đề được giải quyết rất nhanh. Từ đó, chúng ta mới có thể tập bớt phản ứng lại. Các vị nhớ đi, không phải lúc nào chúng ta phản ứng cũng giải quyết được vấn đề đúng không? Chúng ta phản ứng không phải để chúng ta giải quyết vấn đề, mà tại vì chúng ta thích phản ứng vậy thôi, tại vì chúng ta có thói quen phản ứng nên chúng ta phản ứng vậy thôi.
Không phản ứng chịu không nổi, cho nên phản ứng vậy thôi chứ đâu phải phản ứng là để giải quyết đâu. Dĩ nhiên là cũng có một ít phản ứng là để giải quyết nhưng mà hầu hết phản ứng là vì thói quen. Cho nên bây giờ chúng ta chặt bỏ bớt những cái phản ứng vì thói quen, chúng ta chỉ phản ứng để giải quyết cho được vấn đề mà thôi, các vị có đồng ý không? Vậy thì để có thể chặt bới những cái phản ứng dư thừa không cần thiết, thì đây chúng ta học cái phương pháp quan sát nó.
3) AI CÒN PHIỀN NÃO NGHE ĐỂ VƯỢT QUA
Phiền não không phải là vấn đề, nổi giận không là vấn đề, phản ứng gay gắt không là vấn đề. Nhưng có tỉnh ra để nhận biết nó hay không mới là vấn đề. Tại vì không có cách nào khi mới thiền tập mà phiền não mình nó tan biến hết được, không cách nào mình mới bắt đầu thiền tập mà những phản ứng gay gắt khó chịu của mình trước đây mà nó được dọn sạch đi được.
Bạn phải để cho nó hiện ra một cách tự nhiên, nhưng mà bây giờ bạn làm một việc đó là lùi lại một bước để quan sát cái phản ứng gay gắt đó. Cho nên là bạn phải mở lòng ra dễ thương, tử tế đón nhận tất cả những phản ứng đang diễn ra trong tâm của mình, nó rất là khác trước đây. Trước đây mình phản ứng mình cũng không biết mình phản ứng cái gì nữa, hoặc là mình chấp nhận cái phản ứng đó là đúng, mình còn tô đậm nữa.
Mình còn thấy như vậy là xứng đáng hoặc là mình đồng nhất với phản ứng đó luôn một hồi rồi mới nhận ra là hơi quá hơi lố không cần thiết. Còn bây giờ là mình học cách lùi lại quan sát.
4) AI DỄ TỦI THÂN NGHE LỜI KHUYÊN NÀY
Nếu bạn thấy bạn còn quá ư là nhạy cảm, tâm lý bạn thay đổi thất thường, bạn làm ơn đừng có yêu ai đừng thương ai. Tại vì bạn yêu bạn thương người nào là bạn sẽ làm khổ người đó.
Nói như vậy bạn đâu có chịu, bạn có quyền công dân để yêu mà, để thương mà, ai mà ngăn được bạn? Để rồi cuối cùng bạn tới đây bạn than “ Thầy ơi cứu con”, cứu gì từ đầu đã nói rồi từ từ rồi hãy yêu, cân bằng ổn định đi rồi hãy yêu.
Cho nên nếu bạn vững bạn ổn thì tình yêu sẽ trở thành một chất liệu cần thiết màu nhiệm. Còn nếu bạn không vững không ổn thì nó quật bạn tơi tả và bạn trở nên bị ràng buộc trong tình yêu.
5) ĐAU KHỔ VÌ NGƯỜI THÂN YÊU
Bạn thấy người đó đang xiềng xích bạn?
Người đó đang thao túng cuộc đời của bạn?
Người đó đang làm khổ bạn? Bạn nên suy nghĩ lại.
Nếu bạn không cho phép, thì người đó sẽ không làm được điều đó.
Sao gọi là "cho phép"?
Tại vì bạn có nhu cầu với người đó, bạn cần người đó, bạn hệ luỵ vào người đó, bạn gắn kết quá sâu nặng với người đó, bạn nghiện vào người đó.
Thậm chí là bạn có thụ hưởng cái gì ở nơi người đó, cho nên người đó mới có quyền làm khổ bạn như vậy.
Chớ một người không có bất cứ một ràng buộc với nhau trong liên hệ tình cảm thì làm sao có thể làm khổ nhau được, khi mà cái muốn của mình nó bước ra, muốn phải thế này thế kia, là sự ràng buộc đã bắt đầu xuất hiện.
6) QUAY VÀO BÊN TRONG ĐỂ TỰ CHỮA LÀNH
Khi chúng ta đang trong sự căng thẳng, mệt mỏi, đau nhức, bạn có quyền chọn một giải pháp tìm một cảm giác dễ chịu. Nhưng mà làm sao bạn tìm mãi được? Làm sao bạn cứ chạy lang thang bên ngoài để đi tìm cảm giác dễ chịu được?
Có lúc bạn thực hiện được, có lúc không thực hiện được. Và đó là chưa nói đến việc bạn càng lang thang đi tìm những cảm giác dễ chịu, thì bạn càng tiêu hao năng lượng của mình. Năng lượng càng tiêu hao, vết thương càng lớn rộng ra.
Cho nên Đức Phật là bậc thầy về tâm lý. Ngài khuyên rằng: đừng có chạy nữa. Đừng tìm kiếm cái gì bên ngoài nữa, hãy quay trở về.
Vì chúng ta có một khả năng rất là vĩ đại: tự chữa lành vết thương của mình, nếu chúng ta biết cách. Vì cái vết thương ở trong tâm, và liệu pháp chữa trị nó cũng từ ở trong tâm.
7) ĐEM TÂM TRỞ VỀ AN TRÚ TRÊN MỘT ĐIỂM
Bạn có thể chọn đầu mũi, nhân trung hay là hơi thở của mình. Đó là một trong những điểm chú tâm sâu sắc nhất. Khi bạn chú ý vào hơi thở, tâm của bạn sẽ bắt đầu lang thang, nhớ về quá khứ, nhớ người làm bạn tổn thương, nhớ những câu chuyện đau lòng. Lúc đó, bạn cần huấn luyện tâm trí trở lại với hiện tại.
Khi tâm trí lại nhớ về quá khứ, bạn tiếp tục đưa nó về với hiện tại, chú ý vào một điểm. Rồi khi nó lại nhớ về quá khứ, bạn lại đưa nó trở lại với hiện tại. Cứ như vậy, bạn phải làm liên tục như thế, có thể là hàng chục buổi, vài chục buổi, tùy vào mức độ bấn loạn của tâm trí bạn và sức mạnh nội lực của bạn.
Tuỳ vào cái nội lực của bạn mà cái tiến trình đem tâm trở về an trú trên một điểm lâu hay là mau.
8) Về sự bình yên trong tâm và ý nghĩa của việc đổi cảnh
Quý vị nên nhớ rằng, dù chúng ta có đi đến đâu, dù đã chọn cho mình một cảnh yên bình, nhưng nếu tâm không yên bình, nếu tâm dậy sóng, thì cảnh yên bình đó sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", khi cảm xúc đau thương trở lại, khi vết thương tái phát, khi phiền não trào dâng, thì dù bạn đã đến một nơi yên bình, bạn cũng không thể thay đổi được tình trạng bên trong. Thậm chí, cảnh yên bình đó đối với bạn cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Vậy nên, vấn đề đổi cảnh chỉ giúp bạn thoa dịu tạm thời trong một thời gian rất ngắn. Bạn thử ra miền quê vài ngày, hai ba ngày, ba bốn ngày, rồi bạn sẽ cảm thấy chán. Lúc đó, bạn lại nhớ đến cái nhà tắm của mình, nhớ đến phòng ngủ, nhà bếp, nhớ những người thân yêu, nhớ công việc, nhớ điện thoại, và rồi bạn lại quay về.
9) DÁM THAY ĐỔI THÓI QUEN ĐỂ SỐNG TỐT
Có những lúc chúng ta cảm giác ngột ngạt khó thở quá, cho nên chúng ta xách xe đi về miền quê yên ả thanh bình, ở đó vài ngày, về đó làm những việc rất là đơn sơ như là trồng rau, chăn bò, hay chỉ đơn giản chỉ là ngắm cảnh miền quê, lòng cảm thấy rất là yên, rất là dễ chịu. Thì đó là quyết định khôn ngoan.
Cái vấn đề là nhiều khi chúng ta không biết chúng ta bị cái gì, vấn dề nhiều khi biết bị cái gì rồi đã có người chỉ điểm rồi mà không bứt ra được. Không thoát được, không dám làm cái quyết định đó, mặc dầu là nếu tiếp xúc nữa là sẽ khổ, sẽ thở không nổi, thậm chí là nó sẽ bứt luôn đó. Nhưng mà không đủ bản lĩnh để rứt ra một cái thói quen lặp đi lặp lại rất là lâu rồi, để thiết lập một thói quen mới đó là sống một mình.
10) CUỘC SỐNG QUÁ ÁP LỰC HÃY LÀM CÁCH NÀY
Cái việc mà mình thoát khỏi một nơi có quá nhiều áp lực, nó có quá nhiều sự xiềng xích đó, tôi nghĩ là nó cũng cần, nó cần mà chỉ trong một giai đoạn thôi. Bên ngành tâm lý trị liệu cũng khuyến khích bạn nên thay đổi hoàn cảnh một thời gian. Còn Đức Phật khuyên chúng ta hãy chuyển kênh đi, tức là hãy đổi đối tượng tiếp xúc đi.
Thí dụ bạn ở với một người nào đó, bạn đã dùng hết mọi cách để giúp đỡ người đó bớt khó chịu mà họ vẫn cứ khó chịu với bạn. Bạn đã van lơn, bạn đã xin xỏ người đó đừng có làm khổ bạn nữa, nhưng mà họ vẫn cứ than phiền trách móc, buộc tội bạn, yêu sách bạn đủ điều. Bạn đã dùng hết sức mình rồi mà bạn vẫn không thay đổi được tình thế,
Thì giải pháp đưa ra là bạn ngưng tiếp xúc với người đó một thời gian.
11) MUỐN HẾT ĐAU KHỔ PHẢI HIỂU ĐIỀU NÀY
Dù bạn có chạy đi đâu đi chăng nữa, thì bạn cũng không thoát khỏi chính bạn. Bạn chạy đằng trời thì khổ đau vẫn bắt kịp bạn. Những cô đơn, những bế tắc, những tuyệt vọng, những giận hờn nó vẫn xiềng xích bạn. Tại vì cái khổ đau là ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài.
Nếu bạn là người tin vào tuệ giác của đạo phật thì điều cơ bản đầu tiên bạn phải tin đó là khổ đau là ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài.
Mặc dầu là có những lúc chúng ta yếu đuối, chúng ta kiệt sức, chúng ta có đổ thừa, chúng ta có oán trách, nhưng mà khi chúng ta tỉnh táo lại, khi chúng ta bình tâm trở lại, thì chúng ta phải nhớ rằng mọi khổ đau là đến từ bên trong.
12) CÁCH ĐỊNH TÂM HIỆU QUẢ KHI NGỒI THIỀN
Muốn định thì mình phải cần dừng lại, mà phải dừng lại một cách tuyệt đối thì định nó mới sâu được. Thậm chí phải ngồi yên xuống như vầy vè, rồi ngồi trên toạ cụ, ngồi kiết già thì định nó mới đạt mức tốt nhất. Còn khi mà mình hoạt động mình di chuyển đó thì mình sẽ sử dụng niệm nhiều hơn và khi mình bắt đầu phát triển chánh niệm ở mọi lúc mọi nơi.
Đặc biệt khi mình có phiền não, khi mình có phiền não tức là mình phát hiện mình đang rất là khó chịu trong người nè. Mình đang rất là căng thẳng, mình đang rất là hoảng loạn, mình đang rất là bực tức, mình biết là có cái con “quái thú” đó xuất hiện ở bên trong thì cái đề mục được ưu tiên hàng đầu bấy giờ trong bốn lĩnh vực thân thọ tâm và pháp thì tâm là đề mục ưu tiên nhất.
13) HÃY TRÂN TRỌNG PHÚT GIÂY HIỆN TẠI
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi.
Hãy tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người Biết Sống Một Mình.
14) THƯƠNG YÊU ĐÚNG CÁCH
Đức phật cũng khuyến khích chúng ta sống vì người khác, sống trong lòng từ bi, biết nâng đỡ, biết chia sẻ, biết quan tâm, biết yêu thương. Nhưng mà Đức Phật cũng khuyên chúng ta có lúc phải biết sống cho bản thân mình. Mà thậm chí Đức Phật lại cho rằng có những lúc mình phải dành ưu tiên để chăm sóc bản thân mình nhiều hơn là hướng tới đối tượng khác để quan tâm hay là thương yêu.
Lý do là vì khi mình thương yêu người nào đó mình đã không đủ khéo, không đủ giỏi để rồi mình làm khổ luôn cái người mà mình thương yêu. Trong khi mình hướng tới giúp đỡ người nào có thể mình mang theo rất nhiều phiền não nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Trích từ pháp thoại của sư Minh Niệm