Sao không thể ngồi chung?
Sức mạnh của đoàn kết thì chắc ai cũng quá rõ. Chúng ta đã thuộc lòng nhừ tử tinh thần này từ hồi tiểu học, từ câu chuyện bó đũa đến câu tục ngữ " Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Lớn lên, chúng ta được biết một giọt nước muốn về tới đại dương bao la thì phải nhập cùng dòng nước để đủ sức vượt qua những chướng ngại trên đường đi.
Chúng ta cũng biết một con thiên nga muốn về miền Nam ấm áp khi mùa đông đến thì phải nương tựa vào bầy để tiết kiệm 70% sức lực vì đường xa vạn dặm.
Chúng ta biết rất rõ dù ta có tài ba cỡ nào, có những ý tưởng sáng tạo siêu việt đến đâu, mà nếu không có sức mạnh của những con người nhiệt huyết đứng ra hiện thực hóa nó, không có đội ngũ tinh nhuệ vừa làm tốt việc của mình vừa hợp tác chặt chẽ với nhau, thì sẽ không thể nào có được thành phẩm, Ta sẽ chẳng làm được gì nếu chỉ có một mình.
Biết thế, nhưng ta vẫn luôn là chiến binh đơn độc giữa muôn trùng vây khó khăn và hiểm nạn. Trong hôn nhân, ta vẫn là kẻ không tìm được tiếng nói chung. Trong gia đình, ta vẫn là kẻ ở trọ không phải trả tiền. Trong công ty, ta vẫn là kẻ không thấy ai cùng hệ giá trị hay đủ tầm để tin tưởng và gắn kết. Trong cuộc sống, ta vẫn là kẻ đứng riêng ra ngoài mọi cuộc vui mà ta thấy nó tầm thường.
Chẳng biết tự bao giờ, ta rất sợ con người. Càng lớn lên, càng thành đạt, càng có sự nghiệp lớn lao thì nỗi sợ ấy lại càng tăng dần. Sợ bị lợi dụng, sợ sự trở mặt, sợ thói ghen ăn tức ở, sợ trò ném đá giấu tay, sợ kẻ chơi trò tiểu nhân, sợ nhất là ngụy quân tử,..
Dù đã từng bước ra thế giới, mở mang tầm nhìn, từng cảm phục tinh thần " võ sĩ đạo" của Nhật, ngưỡng mộ tinh thần thép và tư duy sâu sắc của người Đức, nhập tràn cảm hứng với sự phát triển tự nhiên và sáng tạo vô cùng của người Mỹ, quyết tâm học hỏi tinh thần đoàn kết của người Trung Hoa từ những cái " China town" ( phố tàu) bền vũng khắp trời Tây. Và, đã từng hứa sẽ giúp quê hương mình thay đổi.
Nhưng khi ngồi xuống với nhau là có chuyện. Những cái tôi cứ tìm tới nhau va đập chan chát. Không ai chịu nhường ai. Không ai chịu lắng nghe ai. Không ai muốn dưới cơ người khác. Không ai muốn làm việc với người mà mình không phục.
Mà, kiểu nào cũng không phục. " Lắm tài thì thiếu đức", "Dễ thương biết đâu hạn chế tài năng", " Tốt bụng thì xài được gì giữa chốn cạnh tranh này", " Làm được bao nhiêu mà bày đặt nói", " Đừng tỏ vẻ đắc chí, đường dài mới biết sức ngựa hay",...
Vậy đó, ta phản ứng như kẻ bị trầm cảm, như hạt bắp khiếp sợ những con gà.
Mà có phải riêng ta đâu, người lớn cũng vậy. Thế hệ ông bà, cha mẹ cũng chỉ mặn mà gắn kết với " tông chi họ hàng", giỏi lắm thì " tình làng nghĩa xóm". Dù hai làng sát nách nhau mà vẫn xem nhau như " người dưng" và " sống chết mặc bây". Cái kiểu " đoàn kết trong nhà, ghét nhau ngoài ngõ" ấy lẽ nào cũng đến từ những vết thương?
Chắc là do chiến tranh? Phải rồi, chiến tranh triền miên trong quá khứ đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của dân tộc ta. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tàn dư của cuộc chiến vẫn không tài nào lấy ra khỏi tâm hồn. Chúng ta lại cứ mải lo kiến thiết, đẩy mạnh kinh tế, đua chen với các cường quốc năm châu, chứ không lo gì đến vết thương chung. Mà thương trường cũng là chiến trường. nghĩa là cuộc chiến, thù địch, ... vẫn chưa bao giờ tan, thậm chí ngày càng trở nên tinh vi và hiểm độc hơn.
Chẳng lẽ, nói theo khoa học, cứ để tự nhiên thì chừng 5-10 năm là " cấu trúc lỗi" sẽ tự biến mất khỏi di truyền? Chừng ấy đất nước có còn không và ta có còn không? Con cháu ta nữa, chúng sẽ đi về đâu và sẽ sống ra sao khi phải hứng chịu vết thương truyền kiếp? Cái cộng đồng nhỏ hẹp nhất là gia đình hay đội nhóm làm việc mà chúng cũng không thừa nhận, hờ hững vô tâm, chống báng đủ kiểu, thì còn nơi nào nữa để chúng nương tựa và làm cho chúng biết yêu thương, trách nhiệm?
Đừng quên, nồi da xáo thịt là con đường ngắn nhất để một dân tộc diệt vong.
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi, # MinhNiem.