Tạm biệt nỗi lo!
Lo để lên kế hoạch cho cụ thể và bài bản, lo để sắp xếp công việc đâu ra đó, lo để chuẩn bị mọi thứ chu đáo nhất, lo để dự phòng những rủi ro bất trắc,... Chẳng phải ông bà ta có câu " Không lo xa ắt sẽ buồn gần"? Nên phải lo, lo chứ, lo cho cuộc sống an toàn và tốt đẹp thì phải nên khuyến khích chứ, chỉ đám trẻ con hay người vô tâm, thiếu trách nhiệm, sống trôi nổi bất chấp,... thì mới không lo.
Tuy nhiên hầu hết những nỗi lo lắng của chúng ta là dư thừa, không cần thiết. Bản thân của vấn đề, của sự việc hay đối tượng ấy không cần ta phải lo quá nhiều như vậy, thậm chí chẳng cần lo gì nữa, mọi thứ đã ổn rồi. Nhưng không lo không được, nó là thuộc tính của ta rồi, không lo thì biết làm gì bây giờ, không lo thì không an tâm, không lo thì không còn là người chu đáo hay trách nhiệm nữa.
Lo những gì cần lo và không lo những gì không cần lo là người có trí tuệ, có vốn sống, có kinh nghiệm đối ứng, và cả bản lĩnh nữa. Có những việc họ chấp nhận để nó diễn ra tới đâu thì giải quyết tới đó, vì họ biết lo nghĩ trước cũng chỉ mệt đầu chứ chẳng giúp ích gì. Thậm chí có xảy ra trái ý, tồi tệ một chút cũng không sao, còn hơn là cứ ngồi đó lo lắng rồi khô cạn, quạo quọ, ăn không ngon ngủ không yên,... Biết là một chuyện, làm được là một chuyện. Cho nên mới nói phải mạnh mẽ và bản lĩnh mới dám không lo. Tính cách này thuộc về đàn ông nhiều hơn, mà phải là đàn ông trải nghiệm và sống vững lắm mới làm được.
" Những động vật hoang dã chạy trốn khỏi những mối nguy hiểm mà chúng thực sự trông thấy, và một khi đã thoát khỏi những nguy hiểm đó chúng không còn quan tâm nữa. Còn con người chúng ta lại bị tra tấn không ngừng bởi những gì mình đã thấy trong quá khứ và cả những gì chưa xảy ra." ( Seneca, triết gia La Mã)
Lo lắng cơ bản cũng chỉ là không muốn mọi việc xảy ra bất như ý mình, tức là muốn nó phải xảy ra đúng như ý mình. Mà ý mình thì cũng phải cần xét lại, vì nó luôn thay đổi và đa phần là dựa trên cảm xúc ham muốn nhất thời. Lo lắng cuối cùng thì cũng chỉ để tránh né cảm giác khó chịu và mang về cảm giác dễ chịu. Mà ta đã xác định với nhau rằng cảm giác khó chịu không là gì cả, không đưa tới khổ đau nếu ta biết cách đón nhận và xử lý; cũng như cảm giác dễ chịu đến từ bên ngoài cũng không hẵn là thứ hạnh phúc bền vững mà ta cần tìm.
Cho nên, phải học cách để buông bỏ bớt lo lắng ngay thôi.
Cứ để nó như vậy đi! Hãy luôn tự nhắc rằng, có những chuyện ta không nên tác động vào, không nên bỏ thêm vào bất cứ hành động hay thái độ quan tâm lo lắng nào, phải đứng ngoài nó, để nó diễn ra theo đúng nguyên lý hay nhân duyên của nó. Đụng vào là hỏng hết. Tiếng Anh có từ " let" có nghĩa là " để cho" rất giá trị, như " let it be" ( để nó như vậy đi), " let it go" ( để nó đi đi),.. Nhiều khi không cần phải làm gì hết, không làm gì mới thực sự là giúp, ít nhất là ngay lúc này - như lời khuyên của Lão Tử: " Cách làm là để mọi sự diễn ra tự nhiên".
Xét lại từng nỗi lo: Khi phát hiện ra mình đang lo lắng, nhìn vào nỗi lo ta hãy xét lại theo trình tự như sau: " Nỗi lo này là gì?/ Đến từ đâu?/ Có cần thiết hay không?/ Cần thiết tới mức nào?/ Để được gì?/ Có thể để lúc khác không?". Nếu không có câu trả lời thỏa đáng mà nỗi lo vẫn cứ lấn tới, thì ta hãy tiếp tục vô hiệu hóa nó bằng cách quay về tập trung vào hơi thở, an trú vào bước chân, hoặc cứ ngồi xem nó tiếp tục diễn ra như thế nào, mà nhất định không đồng nhất với nó.
Sống chắc trong hiện tại: Cứ để tâm tư lạc lõng, bay nhảy lung tung thì thế nào nó cũng kiếm chuyện để lo. Không ai mượn lo cũng giành lo. Cho nên phải tìm cho tâm mình một đối tượng đang có mặt trong hiện tại để tựa vào. Khi tâm ta thực sự có mặc trong hiện tại, an trú, cảm nhận và thưởng thức những gì đang diễn ra, nhận thấy hạnh phúc luôn hiện hữu quanh ta mà ta cứ mãi lo tìm kiếm, nhờ đó mà ta sẽ bớt chạy theo những suy nghĩ và lo lắng không cần thiết.
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
#Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, #Lamnhuchoi, #MinhNiem