Thấy sao để vậy

  Dòng thiền ta đang thực tập có tên gốc, tiếng Pali ( Ấn Độ) là vipassana. " Passana" là nhìn sâu vào một đối tượng; còn "vi" là lối đặc biệt. Vipassana là nhìn sâu vào một đối tượng bằng lối nhìn đặc biệt. Đặc biệt ấy là gì?

  Không phân loại và suy diễn: Nhìn vào đối tượng, nhất là các hiện tượng tâm lý, không nên phân ra đây là tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu, vì làm như vậy sẽ làm phát sinh thêm thái độ đối xử và kéo theo cảm xúc. Ngoài ra, chỉ ghi nhận diễn biến trên đối tượng như camera đang thu hình, không liên tưởng hay diễn dịch gì thêm, để nó là chính nó, và ta cần thấu hiểu nó từ cái chưa bóp méo đó.

  Không ưa thích hay ghét bỏ: Thường khi " quét" qua đối tượng, nhận thức ta sẽ lập tức cho ra kết luận: dễ thương/ không dễ thương, có lợi/ bất lợi, cần/ không cần,... rồi liền sau đó ta tỏ ngay thái độ thích hay không thích. Để sinh tồn và tự vệ thì dĩ nhiên phải biết rõ tính chất của đối tượng để kịp thời xử lý, nhưng để thấu hiểu và giúp đỡ thì không cần. Đặc biệt đối với phiền não phải cần có cái nhìn khách quan, không bỏ vào thái độ ưa hay ghét, thì mới tiếp cận được.

  Không phê phán hay so sánh: Nếu chưa bắt kịp và chặn đứng thái độ ưa thích hay ghét bỏ, thì ta cố gắng quan sát diễn biến kế tiếp đó là phê phán hay so sánh. Phê phán kẻ khác hay bản thân đều không nên, vì nó sẽ làm cho đối tượng " biến dạng" và cặn cáu buồn phiền trong ta lại trồi lên. So sánh cũng vậy, cũng xuất phát từ thái độ không chấp nhận tình trạng đối tượng, muốn từ bỏ đối tượng này để tìm kiếm đối tượng khác hay mong chờ đối tượng thay đổi như ý mình. 

  Không níu kéo hay đàn áp: Vẫn giữ thái độ kẻ quan sát, khách quan, không nhúng tay vào để níu kéo đối tượng ưa thích. Theo bản năng, ta luôn muốn duy trì càng lâu càng tốt những gì ta cho là có lợi và cố gắng loại trừ những gì bất lợi. Trong thiền tập thì khác. Ta cần phải học cách chấp nhận cả hai kiểu đối tượng, cứ để nó diễn ra nếu nó không nguy hại gì. Vì khi quyết tâm thiền tập là ta cố gắng nuôi dưỡng cho mình thói quen bớt tìm kiếm cảm giác dễ chịu và cố gắng chấp nhận thêm cảm giác khó chịu. Níu kéo là làm lớn mạnh tâm tham, đàn áp là làm lớn mạnh tâm sân.

 Có thể tóm gọn lối nhìn đặc biệt trên bằng cụm từ dân dã " thấy sao để vậy".

 Nói là dân dã chứ trí thức chừng nào thì càng khó thực hành chừng ấy. Vì hiểu biết nhiều, thành tựu nhiều thì bản ngã rắc rối cũng nhiều, luôn nghĩ mình đã đủ hay đủ giỏi, nên có " sở thích" là hay nhúng mũi vào và điều khiển mọi thứ mọi đối tượng theo ý mình. Cuộc sống mưu sinh là mạnh được yếu thua nên đành phải can thiệp vào những thứ có tín hiệu có lợi và nguy cơ bất lợi. Nhưng lúc nào thấy ổn, thấy không sợ hãi, ta nên cho mình cơ hội sống với trạng thái tự do, tự nhiên, " thấy sao để vậy"; và đây cũng là cơ hội cho những người sống quanh ta được yên thân, được là chính họ.

 

Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm.

#Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi.