#sách để có một tương lai, #thiền sư Thích Nhất Hạnh, #chữa lành, #healing, #tỉnh thức, #khổ đau
Lưới đế châu của chúng ta
Trong trang cuối của bài tiểu luận ‘Mạng lưới của vua trời Đế Thích dưới dạng Dây Chuyền Thực Phẩm – Viễn cảnh Sinh Thái của Gary Snyder,’ David Barnhill nói: ‘Theo Snyder, lưới Đế Châu được áp dụng trong việc săn bắt và ăn thịt, trong đó loài bị săn bắt/ăn thịt biểu lộ lòng thương, và kẻ săn bắt/ăn thịt biểu lộ sự trong sạch và tôn trọng.[11]‘ Tôi xin nới rộng câu ấy để nói rằng bất cứ hình thức thu hoạch hay trồng tỉa nào cũng đều cần đến lòng thương, sự trong sạch, và tôn trọng từ mọi phía: kẻ ăn chay và người săn bắt đều đòi hỏi phải có bằng đó chánh niệm như nhau. David Barnhill nói tiếp rằng: ”Đạo Bụt, theo truyền thống, đương nhiên cấm ăn thịt, nhưng ta có thể thấy vì sao Snyder lại chọn không theo nguyên tắc đó.” Kỳ thực, tôi chấp nhận nguyên tắc đó, như một quan niệm, một thách đố, và một mục đích, tùy thời phải chỗ. Chọn không ăn thịt là một bước triển khai sơ đẳng của Giới thứ Nhất, ahimsa, bất hại, không gây ”tổn hại không cần thiết.” Nhưng đây là thế giới Ta-bà (saba) của khổ đau hệ lụy (dukkha), con người sống trong sự thiếu nghèo, cỏ cây, cầm thú sống trên sự sống của nhau. Cõi này được diễn tả trong Kinh như là cảnh giới của Dục (kama), của ham muốn và nhu cầu sinh học vốn đang chi phối tất cả. Hễ có thở tức có đói.
Đến khi Barnhill dường như đi đến lý luận rằng người ta do đó nên ăn thịt, thì tôi phải xin phép không đồng ý. Đó là kết luận của Barnhill, không phải kết luận của tôi, rằng ”nếu chúng ta gượng ép rút mình ra khỏi thân phận ăn thịt trong mạng lưới lương thực … thì chúng ta có vẻ như đang khẳng định cho mình một vị trí đặc biệt trong mạng lưới.” Quan điểm của riêng tôi là bất cứ lúc nào, ở đâu nếu người ta có thể sống được toàn bằng rau quả và ngũ cốc, thì điều ấy rất đáng hoan nghênh. Song, với nhiều người, đây không phải là một chọn lựa có thể đứng vững. Dân miền cực Bắc là trường hợp rõ ràng nhất, nhưng còn có những người ở vùng thảo nguyên, sa mạc, những người ở vùng ven biển, vùng núi đã quen sống nhiều đời với các thực phẩm không đến từ thảo mộc. Hầu hết mọi người phải thường xuyên sống bằng một nền kinh tế lương thực hỗn hợp, trong đó có cả sự sống động vật. Những người đạo Bụt chúng ta có nên gạt họ ra ngoài rìa chăng? ”Lũ dân biên địa không thể nắm được Chánh Pháp” (quan niệm xưa của Tây Tạng.) Tinh thần Bồ Tát chắc chắn không cho phép chúng ta lập tức loại ra ngoài các nền văn hoá và kinh tế lương thực khác trên thế giới. Theo cách sản xuất lương thực hiện đại, mặc dù rõ ràng ngành kinh tế thịt bò của Hoa Kỳ và một số nước khác là một sự xa xỉ phí phạm, thì cũng không chắc gì Thế Giới Thứ Ba lại có thể sống sót được nếu không nhờ đến bò, gà, heo, cừu, và hải sản.
Câu hỏi sâu hơn là câu hỏi ta trì Giới Thứ Nhất như thế nào. Khi Lão Sư (Roshi) Oda Sesso, vị thầy ở Daitokuji sodo của tôi, dạy đến công án 14 trong Vô Môn Quan (Mumonkan), ‘Nam Tuyền trảm miêu’ [12], ông đã không ngồi trên toà cao, mà chọn ngồi dưới chiếu Tatami, ngang hàng với người cầu đạo (unsui)[13] . Lão sư nói: ‘Đây là trường hợp dễ bị hiểu lầm. Ở Nhật, chúng ta đôi lúc có lẽ đã lạm dụng nó.’ Lúc ấy, tôi nghĩ ông đang nói đến tình trạng thiếu phản kháng rõ rệt của giới Thiền Môn trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật vào những năm ba mươi, dẫn đến Thế Chiến thứ hai. Bây giờ tôi lại nghĩ ông ngụ ý rằng: trong cuộc thảo luận, bất cứ ai nêu lên câu hỏi về việc cố tình đoạt đi mạng sống đều đáng phải ngồi dưới đất. Với vấn đề này, người ta không thể không khiêm nhượng. Khi lắng nghe lời khai thị (teisho) của Lão Sư vào năm 1961, tôi phải thú nhận tôi đã cảm thấy mình khá chân chính, tôi là người cả đời theo chủ nghĩa hoà bình (và là người ăn chay từng giai đoạn), và tôi nghĩ mình đã biết cách hiểu giới. Đâu dễ vậy.
Tôi cũng để ý thấy có một số roshis (chưa kể các thầy tu) đã ăn cá khi ra ngoài tu viện. Có lần tôi đang viếng chùa của một roshi gần núi Fuji, tôi đã hỏi ông: tại sao có một số thầy tế và thầy tu ăn cá thịt? Ông đã trả lời rất ngon lành: ‘Một thiền giả phải có khả năng ăn được cứt chó và uống được dầu hôi.’ Thầy tôi, Oda Roshi, là một người ăn chay nghiêm túc. Nhưng có lần ông nói với tôi: ‘Chẳng phải vì tôi ăn chay tịnh, còn các thầy khác không ăn, mà có nghĩa là tôi hơn họ. Đây là cách tu của tôi. Những vị khác có cách của họ. Mỗi người đều phải lấy Giới Thứ Nhất làm thử thách lớn của mình, và tìm ra con đường riêng qua sự sống của mình với nó.’
Tôi không phải và cũng chưa bao giờ là người đi săn theo nghĩa người ta thường gọi. Tôi vẫn đang là một học trò săn bắt và thu thập các nền văn hoá, và vẫn cố tìm hiểu vai trò cơ bản của con người trong khi quán chiếu kinh nghiệm đánh phá hàng nghìn năm của nhân loại. Tôi đã từng giết vài con vật trong sự quá khích để được bảo đảm. Trong hai lần, tôi đã hạ những con hươu bị những kẻ đi săn giải trí làm bị thương, và lang thang quanh quãng rừng của chúng tôi trong tình trạng đó. Khi nuôi gà, chúng tôi bảo quản bầy đàn, sinh thái, và kinh tế, bằng cách ăn những chú trống choi nhiều quá lượng và, ở chiều bên kia của chu kỳ sự sống, hầm một con gà mái già lỡ cỡ lứa. Làm như vậy tôi mới biết được nỗi buồn và cái thế chẳng đặng đừng đang vây ép người nông dân ngoài đời. Họ (và tôi) không thể làm sao hơn là cai quản đàn gia súc theo cách ấy, vì làm khác hơn là xa xỉ, hay còn gọi là phi kinh tế.
Còn nữa, đàn gà mái của tôi (không giống những con gà công nghiệp nhốt trong chuồng chật ních) được chạy nhảy tự do và bươi đất suốt ngày, chúng có anh trống cồ làm bạn, và sống một cuộc sống sinh động, thoải mái của những con chim rừng. Thỉnh thoảng chúng bị mèo rừng, gấu trúc, chó rừng, và chó sói bắt đi. Vậy tôi có ghét mèo rừng và chó sói không? Đôi lúc, về phe mấy con gà, tôi cũng hơi ghét chúng. Chúng ta phải chịu khó gác lại ý riêng của mình, và khiêm tốn đứng sang một bên khi Guồng Máy Lớn đi băng qua những bước đường của nó. Tôi bỏ nuôi gà vì tôi thấy việc ấy không mang lại lợi gì. Những đàn gà sung sướng được thả lỏng không sao cạnh tranh nổi với ngành sản xuất trứng công nghiệp, nơi những con gà bị biến thành những cái máy đẻ (nhưng được bảo vệ khỏi hoạ mèo rừng.) Trong thâm sâu, tôi thấy mình khó mà chấp nhận việc thuần hoá chim, thú: bản chất hoang dã, độc lập của chúng bị tước đoạt quá nhiều.
Còn với thịt hươu nai: bao nhiêu năm nay vài gia đình trong vùng này đã tận dụng kỹ lưỡng xác hươu nai vừa bị xe cộ cán chết dọc đường thay vì để thịt phí bỏ. (Thế nhưng, để xác ấy cho kên kên hay dòi bọ ăn thì đâu phải là phí bỏ.) Chỗ chúng tôi ở, nghề vườn tược không được tốt mấy, nhưng rừng rậm lại mênh mông.
Sự phân biệt đơn giản giữa ”ăn chay hay ăn mặn” quả là quá đơn giản. Dân cư một số vùng, đặc biệt ở Ấn Độ và Đông Nam Á, là những người ăn chay tự nguyện. Hầu hết phần còn lại của dân chúng các nước Thế Giới Thứ Ba là những người ăn chay bán phần, do không đủ cá thịt. Người Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, và một số người châu Âu là giới đại tiêu thụ thịt của thế giới hiện đại. Ở các nước đã phát triển, giới ăn chay thường là những thành phần có học thuộc giai cấp được ưu đãi. Phần lớn Phật tử Bắc Mỹ không có nhu cầu ăn thịt, và tôi cũng không khuyên họ nên ăn thịt bao giờ. Thay vào đó, có lẽ họ nên tìm hiểu thêm nền kinh tế lệ thuộc vào nhiên liệu và nền nông nghiệp sản xuất rau quả và ngũ cốc bằng cách làm suy thoái đất, nước, không khí, và gây nguy hiểm cho sức khoẻ những người di dân làm công với đồng lương rẻ mạt. Thực vậy, chúng ta đều nên tìm những phương cách sản xuất lương thực khác để thay thế.
Cách đến với thực phẩm của riêng tôi là tò mò và biết ơn. Tôi muốn biết thức ăn của mình đến từ đâu, và là gì, thảo mộc hay động vật. (Đậu Bắp thuộc họ Cẩn (Hibiscus) [14], xuất xứ từ Phi Châu! Cà Chua, Thuốc Lá, Khoai Tây, Cà Tím – giống Nhật (Nasubi), Ấn Độ (Brinjal), hay Pháp (Aubergine) –, và Cà Độc Dược đều cùng là họ nhà Cà (Solanaceae [15]), với những bông hoa hình phểu. Những sự thật này làm tôi thấy biết ơn hơn.) Cả nhà tôi đều nói lời tạ ơn và thực tập quán nguyện về thức ăn trước bữa, như được thực hiện trong các kỳ đả thất (sesshin [16].) Trong phần kết của quyển ‘Sự Hành Trì của Hoang Dã [17],’ với tiêu đề ‘Ân Điển,’ tôi có viết một đoạn về ‘nói lời tạ ơn.’
Vậy thì tại sao, với tư cách một hành giả trong đạo Bụt, tôi lại làm thơ, viết văn về những người đi săn, những người cắt cỏ nuôi gia súc, và về dây chuyền thực phẩm. Là vì: trên bình diện vật lý Giới thứ nhất là căn bản, và sự sống của chúng ta, theo góc độ thực phẩm, là câu hỏi hàng đầu của ngành kinh tế và sinh thái. Thực phẩm là lĩnh vực trong đó ta mỗi ngày khám phá ”việc gây tổn hại” của mình đối với thế giới, cũng như cách ta đối phó với việc này. Hẳn nhiên, đơn giản dừng lại đó và bảo rằng đời là bể khổ còn chúng ta đều vô minh sẽ không phải là cách giải quyết. Thay vào đó, chúng ta đòi hỏi phải tu tập.
Trong quá trình tu tập, chúng ta sẽ không thay đổi thực tại, nhưng chúng ta có thể chuyển hoá chính mình. Mặc cảm tội lỗi và trách móc bản thân không phải là hoa trái của sự thực tập, nhưng ta có thể trông chờ một cái nhìn thoáng rộng hơn. Cái nhìn thoáng rộng là cái nhìn có thể công nhận niềm đau đang có mặt cũng như cái đẹp của thực tại tương quan chằng chịt này. Chính sự nhận thức này, phần nào, là những gì mà hình ảnh lưới Đế Châu cố gắng biểu thị. Cho đến nay, chính những nền văn minh sơ khai còn tồn tại trên thế giới, đặc biệt nơi những người thợ săn và hái lượm, thật nghịch lý, lại là nơi người ta biểu hiện lòng biết ơn của mình đối với trái đất và muôn loài một cách thâm thúy nhất. Phật tử chúng ta cần phải học nhiều vì lẽ đó.
Những điều tôi vừa nói trên, không một điều nào nên bị xem là sự hợp thức hoá, hay bào chữa cho việc ‘phá’ giới. Như Ryo Imamura [18] gần đây có viết: ‘Trong đạo Bụt, không có cái gọi là cuộc chiến tranh ‘có chính nghĩa.” Nếu thấy mình đang đi ngược giới bất hại trong một tình huống quyết liệt, giết hoặc gây thương tích cho ai, để tự vệ chẳng hạn, chúng ta cũng chớ tìm cách biện minh cho hành vi ấy. Chúng ta chỉ có thể nói: Đây là quyết định của tôi, tôi rất tiếc sự việc đã xảy ra như vậy, và tôi chấp nhận mọi hậu quả có thể xảy ra.
Giới là Giới, đóng vai trò của kim chỉ nam, thước đo, lý tưởng, và công án. Giới không phải là một lề luật hiểu theo nghĩa đen như một trong Mười Điều Răn của Chúa. ”Không tước đoạt sự sống” hay ”không làm hại” là điều không thể nào giữ được một cách tuyệt đối. Những người Kỳ Na giáo (Jains) ở Ấn Độ đã cố giữ giới bất hại (ahimsa) theo nghĩa đen (bất kể logic), và những kẻ trong sạch nhất trong họ đã mở đầu một tông phái lấy việc nhịn đói cho đến chết làm một hành động đạo đức. Nhưng đây là sự bạo hành đối với thân thể của chính mình.
Mỗi sinh vật đều tác động đến từng sinh vật khác. Thuyết Darwin phổ cập, với sự nhấn mạnh vào quá trình chọn lọc tự nhiên (loài nào thích nghi thì sống sót), đã hiểu câu trên theo nghĩa thiên nhiên là một bãi chiến trường cạnh tranh đẫm máu. ‘Thiên nhiên đỏ ngầu nanh vuốt’ như người châu Âu ưa trích dẫn. Quan niệm này ngầm nâng con người lên vị thế đứng cao hơn những thành phần khác của thiên nhiên về mặt đạo đức. Gần đây khoa học sinh thái, với những luận chứng về sự cùng-tiến-hoá, sự cộng sinh, sự giúp đỡ hỗ tương, tính tương liên, tương đới suốt mọi hệ thống tự nhiên, đã dạy chúng ta thái độ khiêm tốn trong vấn đề tính đặc biệt của loài người. Khoa học sinh thái cũng dạy chúng ta rằng sự hiểu biết của chúng ta về những gì có hại và không có hại trong lĩnh vực thiên nhiên hoang dã còn quá thô thiển, do vậy chúng ta chớ vội theo phe kẻ săn mồi hay vật bị săn, các loài cây xanh tự dưỡng hay các loài bọ, nấm ký sinh, sự sống hay cái chết.
Thầy Nhất Hạnh đã có lần nói tại một buổi họp mặt các nhà lãnh đạo Hội Ái Hữu Phật tử cho Hoà Bình (Buddhist Peace Fellowship) ở Tassajara Zen Mountain Center rằng chúng ta nên biết ơn từng biểu hiện bé nhỏ của bất hại (ahimsa) dù bắt gặp nơi đâu trong cuộc đời. Tôi tin Thầy nói rằng nếu một vị sĩ quan trong cuộc chiến cầm quân với ít nhiều tinh thần bất hại, thì điều ấy đáng được tán thán. Đó là cách hiểu của tôi, rằng mỗi người chúng ta phải tự tìm cách riêng của mình để thực tập giới bất hại, trong phạm vi rộng rãi của những điều ta có thể làm, biết rằng sẽ không có gì hoàn toàn trắng trẻo cả, và cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng không theo đuổi mục đích rằng mình phải đúng. Đây thật sự là ‘công án sống còn’ của ta. Đó là vì sao tôi đã chú giải giới này, trong tinh thần Đại Thừa, như ‘Không gây tổn hại không cần thiết.’
Người ta có thể tự hỏi không biết đối với loài mèo rừng thì sự trì giới bất hại (ahimsa), trong Phật cảnh của chúng, sẽ ra sao? Như lời thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) nói: ”Loài rồng xem nước là lâu đài,” thì với loài mèo rừng, rừng có lẽ là một jikido (thực đường) sang trọng trong đó chúng thì thầm các bài kệ (gathas) lặng lẽ biết ơn loài chim cút, chia xẻ (trong tâm tưởng) phần ăn với dạ xoa và quỷ đói. ”Người học Bụt không nên giới hạn vào những quan điểm của con người khi học về nước.” Và thế giới đối với loài chim cút sẽ như thế nào? Tôi chỉ biết điều này: khi chết, nỗi khổ và cái chết ấy là của riêng tôi, và tôi hy vọng mình sẽ không đổ lỗi cho con cọp (hay ung thư, hay gì gì đi nữa) đã làm tôi ngã xuống. Với con cọp, tôi sẽ chỉ yêu cầu: ‘Làm ơn đừng phí phạm.’ Và có thể cùng gầm gừ chung với nó.
Khi bắt gặp một chiếc đũa bị vất bỏ trong cống rãnh, vị thầy sẽ quở đệ tử rằng: ”Chú đã làm rồi đời chiếc đũa,” chúng ta có thể nhìn vào chiếc đũa bị phí phạm, và biết nó đã bị xử tệ như thế nào. Và câu này cũng đáng được thêm vào: ”Chú đang giết rừng già,” bởi vì việc sử dụng một cách đại trà loại đũa dùng một lần rồi bỏ ở Nhật và Mỹ đã cho thấy điều ấy.
Vị Thầy có biết bước kế theo? Không hẳn. Áp dụng tình thương tích cực đối với muôn loại ở nước Trung Hoa Phật giáo thường có nghĩa là làm lễ phóng sanh cho cá, chim bị bẫy bắt. Lòng từ bi đối với những mảnh đời riêng chỉ là một phần của câu chuyện. Nước Trung Hoa Phật giáo đã buộc phải chứng kiến sự tuyệt chủng đáng kể của các loài, và sự mất rừng hàng loạt trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ năm và thứ mười lăm. Ấn Độ thì đã mất đi phần lớn rừng từ trước thời cận đại. Lòng từ bi đối với những mảnh đời khốn khổ phải được nới rộng đến phạm vi của toàn bộ lưu vực một con sông, hệ thống tự nhiên, môi trường sống của sinh vật. Cứu mạng một con vẹt hay một con khỉ là điều đáng quí. Nhưng chúng sẽ chết, nếu rừng không được cứu. Cả hành tinh rên siết dưới sự bất chấp thô bạo giới bất hại của những xã hội tổ chức cao và các nền kinh tế tập đoàn trên thế giới. Hàng ngàn loài động vật, và hàng vạn loài thực vật có thể đi đến tuyệt chủng trong thế kỷ tới. Tôi mong rằng các bạn đọc của cuốn sách này sẽ hiểu phong trào bảo vệ hoà bình, phong trào bảo vệ môi sinh, và Hội Ái Hữu Phật tử vì Hoà Bình của chính chúng ta dưới ánh sáng này, và sẽ đặt nỗ lực CỨU VÃN MÔI TRƯỜNG SINH SỐNG CỦA MỌI LOÀI vào một vị trí ưu tiên hàng đầu.
[11]. Xuất bản trong tạp chí Thập Phương (The Ten Directions), của Zen Center of Los Angeles, số Spring/Summer 1990. Barnhill mô tả lưới Đế Châu như sau: ‘Để nêu lên bản chất của mạng lưới tương liên tương đới, Hua Yen đã khai triển hình tượng mạng lưới của Đế Thiên (Indra.) Trong hình tượng này, vũ trụ được xem như một màng lưới rộng lớn làm bằng những hạt châu đa diện, sáng loáng, mỗi hạt châu là một tấm gương nhiều mặt. Theo một nghĩa, mỗi hạt châu là một thực thể đơn độc. Nhưng khi nhìn vào một hạt châu, ta chẳng thấy gì hơn ngoài sự phản chiếu của những hạt châu khác, mà những hạt châu khác lại chính là sự phản chiếu của những hạt châu kia, cứ như vậy trong một hệ thống phản chiếu bất tận. Và như vậy, trong mỗi hạt châu chứa đựng hình ảnh của toàn bộ tấm lưới. Theo Hua Yen, mục đích của tôn giáo là đạt đến một trạng thái tâm, thấy thế giới là sự soi bóng lẫn nhau, và khiến ta sống đời sống của mình theo ý nghĩa của sự tương quan từ căn bản ấy.’ Xin cũng xem bài trả lời của David Barnhill trong tờ Tam Luân (Tricycle), số Summer 1993. [chú thích của tác giả.]
[12]. Các nhà sư ở hai viện Đông và Tây tranh giành một con mèo. Hoà thượng Nam Tuyền nhấc con mèo lên, bảo rằng: ‘Các ông nói được chuyển ngữ thì tha mèo, còn không thì mèo phải chém.’ Đại chúng không ứng đối được. Nam Tuyền bèn chém con mèo. Đến tối Triệu Châu về, Nam Tuyền kể lại chuyện. Châu bèn cởi dép, đội lên đầu mình mà bước ra ngoài. Nam Tuyền nói: ‘Nếu có ông lúc ấy, mèo đã được cứu rồi.’ [chú thích nguời nhuận]
[13]. Unsui: Vân Thủy, là ‘hành vân lưu thủy’, chỉ người học trò đi đây đi đó để cầu Đạo. [chú thích người nhuận bản dịch.]
[14]. Còn gọi là cây Dâm Bụt, cây Bông Bụt. [chú thích của người nhuận]
[15]. Solanaceae đến từ tiếng Latin là solanum, có nghĩa là ‘bóng mát của đêm’, nhưng nghĩa của từ này không rõ. Người ta cho rằng từ Solanaceae đến từ động từ ‘solari’ trong tiếng Latin, có nghĩa là ‘làm dịu’ vì dược tính an thần của một số cây trong họ. Tuy nhiên, tên này phần lớn đến từ hình dáng của hoa, xoè ra như những chiếc dù dưới ánh mặt trời. [chú thích của người nhuận]
[16]. Sesshin (‘tiếp tâm’), chúng ta quen gọi là ‘đả thất’ là thời gian thực tập nghiêm ngặt, bảy hay nhiều ngày, trong Thiền Tông. Hầu hết thời gian là im lặng, và thực tập thiền toạ, thiền hành. Kỳ đả thất được kết thúc bằng buổi tham vấn với Thiền Sư (chủ trì kỳ đả thất.) [chú thích của người nhuận]
[17]. ‘The Practice of the Wild’, Berkeley: North Point Press 1992.
[18]. Ryo Imamura: tân tăng Nhật thuộc Tịnh Độ Tông (Jodo), giáo sư đại học Evergreen State College ở Olympia, Washington State, USA. [chú thích của người nhuận]
Trích từ sách Để có một tương lai của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh