Mặc kệ những tiếng động
" Chó sủa cứ sủa, lữ hành cứ đi."
( Ngạn ngữ Tây Ban Nha)
Người lữ hành trên hành trình về đích, dù đã xác định sẽ phải gặp nhiều chướng ngại, nhưng lâu lâu cũng giật mình vì những tiếng động bất thình lình. Tiếng chó sủa thì cũng chẳng có gì ghê gớm, những giữa đêm hôm khuya khoắt, đang trong cơn mệt mỏi, mắt nhắm mắt mở, trong không gian tĩnh mịch, thì cũng giật bắn người chứ chẳng chơi. Có khi còn hồ nghi đó là sói hay linh cẩu, mà là chó hoang cả bầy cả đàn thì cũng thôi rồi. Nhưng khi định thần, tỉnh táo, mới biết đó chỉ là tiếng chó lẻ tẻ từ nhà bên đường. Nó sủa vì nó thấy động, nó giật mình và đề phòng kẻ xấu. Đó là chuyện của nó. Nó không làm gì cả nếu ta đừng tỏ vẻ nguy hiểm hay khiếp sợ nó. Cứ lẳng lặng và dũng mạnh đi tới. Đừng quay lại đôi co. Những tiếng sủa kia rồi cũng sẽ tắt dần trong màn đêm và ta lại tập trung vào mục tiêu phía trước.
Khi ta muốn làm việc lớn, nhất là tạo nên những cú đột phá hay cuộc cách mạng mà trông mong ai cũng chấp nhận hết là ta còn ngây thơ lắm. Được bao nhiêu hãy mừng bấy nhiêu. Tại vì chính ta, trước đây không lâu, cũng chưa từng nghĩ chưa từng chấp nhận ý tưởng táo bạo này. Giờ tới được đây rồi, sẵn sàng sống chết với nó rồi, là ta cũng đã phải vất vả lắm mới vượt qua được chính mình. thế thì tại sao ta lại muốn mọi người phải thấy liền, hiểu liền, chấp nhận liền, ủng hộ liền chứ? Dù họ là người sống bên cạnh ta, người thân thiết nhất của ta, thì họ cũng không phải là ta. Họ không thể nào theo kịp nhận thức của ta, nếu có, thì đó là một may mắn lớn.
Thời gian sẽ trả lởi, thời gian sẽ giúp ta chứng minh điều ấy.
Đó là với người chịu trách nhiệm liên đới với sự thành bại của ta, còn với người ngoài thì không cần phải làm gì cả. Họ có đăng đàn để săm soi, chê bai, chỉ trích, chọc khuấy,... là việc của họ, ta không ngăn cản được. Dù có ngăn được người này thì cũng không thể nào ngăn được những người khác. Ta không thể nào dẹp hết mọi chông gai trên đường đi, cách tốt nhất là hãy sắm cho mình một đôi giày thật tốt để bước đi trên nó thôi. Cứ nhẫn nhục. Cứ lẳng lặng và dũng mãnh bước tới mà đừng tốn hao năng lượng để thanh minh hay đáp trả. Vô ích. Họ không lắng nghe ta đâu. Họ đang bị phiền não giựt dây và làm khổ. Vì nếu họ đang yên ổn thì họ sẽ không bao giờ làm như vậy. Ta có con đường để đi, có mục tiêu để hướng tới, đang đi chuyển và đi rất xa, thì đôi co làm gì với người đang bị mắc lại, chôn chân, bế tắc.
Hãy xem đó chỉ là những tiếng động, mặc kệ, nó chẳng làm gì được ta cả.
Nó chỉ động được ta hay quật ta ngã xuống khi ta ban cho nó quyền lực, ta sợ nó. Bảo không sợ sao được khi trước giờ ta sống là nhờ vào những tiếng động bên ngoài, mong nó đem lại cho ta những cảm giác ngọt ngào dễ chịu qua những lời khen tặng, tung hô, tán tụng,... Nhiều khi đó mới là lý do chính. Còn để đạt được thành quả, hy sinh cho tập thể, cho đồng đội hay gia đình thì chỉ là cách nói thôi. Đồng ý là có nghĩ tới, nhưng cũng chỉ góp thêm phần lý do, động cơ. Mà dù có xem nó là mục tiêu chính để hướng tới thì từ tâm vô thường của ta cũng đẩy nó xuống hàng thứ, để cho cái danh dự, cái sĩ diện, cái hào quang lên trên đầu. Nên khi tiếng động ấy thay đổi, đổi đến 180 độ, khó chịu đến nhức óc, thì ta " dính chưởng" ngay lập tức.
Tâm ta nếu đang ở trong, tin bên trong, thì làm gì có chuyện đó xảy ra.
Niềm tự tin có phải đến từ bên ngoài, từ niềm tin của người khác dành cho ta? Họ càng khen càng quý thì ta càng tin tưởng vào thực lực của mình. Đến khi họ trở mặt, phủ nhận tất cả, thì ta cũng sụp đổ luôn sự tự tin. Nếu vậy thì đó không phải là sự tự tin. Tự tin phải đến từ bên trong, từ việc sống được với những giá trị của chính mình.
Cho nên để có thể mặc kệ được những tiếng động thì chỉ có cách là không đề cao nó, vững niềm tin vào bản thân. Không có nhu cầu quá nhiều vào sự công nhận, ngợi khen thì cũng không phải mệt mỏi vì những lời chê bai, bôi nhọ.
Mà có lỡ bị chao đảo vì những tiếng động bất chợt thì cũng không sao. Chỉ cần can đảm gác lại hết mọi thứ, quay về nương tựa bên trong. Cố gắng an trú vào hơi thở hay bước chân cũng được, hoặc nếu thấy vẫn còn ổn thì cứ ngồi yên đó mà quan sát dòng cảm thọ đang chảy tràn trong thân tâm. Càng quan sát thì ta sẽ càng thấy rõ những động cơ phiền não nằm tầng tầng lớp lớp bên trong. Có khi đó là phản ứng của vết thương đã khép miệng từ lâu; có khi đó là thói quen muốn kiểm soát hết mọi thứ; cũng có khi đó là nỗi sợ hãi hoặc do quá ảo tưởng về bản thân.
Là gì cũng được, không quan trọng, Miễn là ta đừng hướng ra ngoài để dập tắt tiếng động, miễn là đừng đồng nhất với cảm xúc nhất thời để tự làm khổ mình. Hãy cứ kiên trì xây dựng chánh niệm trên các để mục thân quen hay đề mục mới là phiền não. Giữ vững niềm tin rằng: khi tâm quân bình và sáng tỏ trở lại thì ta sẽ thấy những tiếng động kia chẳng là gì cả, nó vốn phải xảy ra, và chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau những bước chân tỉnh thức và uy hùng của kẻ có " chủ quyền", có lý tưởng.
" Một chiến binh can đảm không phải là người không cảm thấy sợ hãi, mà đó là người có thể chinh phục được nỗi sợ hãi đó." ( Nelson Mandela, Tổng thống Nam Phi).
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi.