Trò lừa đảo tâm trí
Một con cáo đang đi trong rừng, nó bỗng phát hiện ra có một chùm nho chín mọng đang nằm vắt vèo trên cành cây. Nó thèm rỏ nước dãi và quyết định hái cho bằng được. Chùm nho ở vị trí khá cao, nó cứ hì hục mãi mà không sao chạm tới được. Nó nghĩ ra cách dùng nhánh cây khều, nhưng trầy trật cả buổi mà cũng chẳng ăn thua gì. Vừa mệt vừa đói. nó đành phải đi tìm thức ăn khác. Trước khi bỏ đi, nó tuyên bố một câu xanh rờn: " Chùm nho này còn xanh lắm!".
Con cáo trong câu chuyện ngụ ngôn của Aesop phải tự nhủ như vậy thì nó mới không tiếc nuối, mới có thể cam lòng bỏ đi. Tìm một cách nghĩ tích cực như vậy để phóng thích những năng lượng tiêu cực thì cũng cần thiết, chỉ có điều là ta duy trì suy nghĩ ấy được bao lâu? Rồi sau đó?? Tại sao ta không dám nhìn vào sự thật, tại sao ta không thể ghi nhận trung thực những gì đang diễn ra ngay trong chính ta, tại sao ta cứ phải dỗ ngọt mình bằng những niềm tin giả tạm, không bao giờ xảy ra, để lờ đi thực tại?
Vì ta đã " thấm đẫm" quá lâu trong cái " văn hóa đối phó và trình diễn"!
Văn hóa Đông phương chủ trương " tốt khoe xấu che" nên buộc người ta phải luôn thể hiện sự tốt đẹp của mình. Trong khi con người có cả tốt lẫn xấu và không phải lúc nào cũng có thể chế ngự cái xấu hay hiển thị cái tốt, vì vậy họ buộc phải gắng gượng, giả bộ, cải trang, ngụy tạo, gian dối,... để được chấp nhận, để không bị coi thường hay ghét bỏ. Theo đó, mỗi ngày họ đều phải che đậy, diễn xuất thật hay để được đánh giá cao, để có quyền lợi, rồi họ xem nó là điều hiển nhiên, thậm chí là thứ văn hóa cần được đề cao và truyền dạy. Ai muốn dỡ bức màn nhung ấy lên để xem rõ sự thật bên trong thì bị lên án là hành động ngu xuẩn, dại dội.
Mỗi lần đánh con, ta biết rõ mình đang điên tiết và không kiềm chế nổi cảm xúc giận dữ, nhưng miệng ta vẫn lẩm bẩm câu thần chú " thương cho roi cho vọt" rồi ta tưởng là ta đang thể hiện tình thương thiệt nên cứ thẳng tay. Mỗi khi bị chê bai, cục tự ái nổi lên, mặt tím tái, giọng run run, nhưng khi đối phương hỏi có giận không thì ta cười đáp tỉnh rụi " Có gì đâu mà giận, chuyện nhỏ!". Lạc mất túi xách có nhiều tiền bạc và giấy tờ quan trọng, ta hoảng loạn chạy tìm khắp nơi, lục tung hết mọi thứ, còn nghi ngờ luôn những người thân quen, rốt cuộc cũng chẳng tìm được nhưng ta lại dõng dạc tuyên ngôn" " Của đi thay người. Ai lấy được thì chúc phúc cho người ấy".
Giá mà được xem lại những thước phim ấy chắc ta cũng lạnh người thốt lên: " Úi trời, toàn là trò lừa đảo tâm trí". Nhưng ai bắt ta làm như vậy chớ?!
Khi hành thiền, trò chơi này lại tiếp tục chui vào tâm trí, quấy nhiễu. Nếu năng lượng tỉnh thức không đủ mạnh và nếu ta cứ mải mê định tâm, chú ý các đề mục trên thân mà không chịu nhìn vào tâm, thì ta sẽ không hiểu tại sao thiền tập hoài mà không hết phiền não. Thí dụ như khi ngồi xuống hành thiền, theo dõi hơi thở, ta thường tự vỗ về: " Nào, bây giờ đã thực sự an ổn rồi, ta đã về với hiện tại với chính ta rồi?", " Hơi thở vào thấy khỏe, hơi thở ra thấy nhẹ", " Thở vào thấy toàn thân an tịnh, thở ra thấy toàn thân an tịnh", trong khi sự thật là tâm ta còn bay nhảy lung tung, chẳng an tịnh chút nào cả. Hoặc mỗi khi nhìn thấy phiền não, ta lại trấn an: " Ta đã thấy được bản chất vô thường của mi rồi", " Chỉ mỉm cười mà không phán xét hay phản ứng", mặc dù đây là những điều ta được hướng dẫn nhưng đó không phải là kiểu bùa chú để ta đọc lên rồi tưởng tượng nó là thật, trong khi thực tế thì hoàn toàn trái ngược.
"Dối lòng" dù vô tình hay chủ ý thì cũng là điều rất kiêng kỵ của thiền, của quá trình khai phá con người thật của mình. Dối người thì còn đỡ vì vẫn còn cơ hội để ta tạ lỗi và nói ra sự thật, nhưng khi dối mình thì ta thường cố gắng tin và rồi sẽ mau chóng tin đó là sự thật nên không còn ai giúp ta tìm ra sự thật nữa.
Bài tập này rất khó đấy! Ta nên tạm dừng ở chủ đề này một thời gian để suy ngẫm thật nhiều thật sâu về những chia sẻ thẳng thắn trên. Khi nào thấy nó chạm vào tim mình, như được chia sẻ, cởi lòng, là ta biết mình có cơ hội vượt qua " ải" này trong thời gian không xa. Nhưng cũng coi chừng ... trò lừa đảo!
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
#Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # sách Làm như chơi.