Tư duy đúng đắn

  Thiền tập rất hạn chế tư duy, vì khi tư duy ta thường bị cuốn vào dòng tư duy đó mà tách lìa thực tại. sự sống, và thực tế cho thấy hầu hết con người bị stress là do tư duy quá mức mà không dừng lại được. Tuy nhiên, vì còn là con người, còn phải vật lộn với mưu sinh và duy trì các mối quan hệ tình cảm nên dù muốn dù không thì cũng phải tư duy, không thể không tư duy. Do vậy rất cần có phương thức nào đó để tư duy một cách vô hại và còn mang lại lợi ích.

  Thực ra trong truyền thống tu tập chuyển hóa của đạo phật cũng chấp nhận tư duy, nhưng mà phải là chánh tư duy - tư duy một cách đúng đắn.

  Đề tài đúng đắn: Trước tiên phải biết ta nên tư duy cái gì, chứ không phải nghĩ tới cái gì là tư duy cái đó. Thích đề tài đó thì không nói gì, nhưng nếu không ngăn được thói quen mổ xẻ, phân tích, lý luận, nhận xet, so sánh,... một cách vô thưởng vô phạt thì sẽ trở ngại cho việc định tâm và dễ bị loạn tưởng.

  Khác với suy nghĩ, tư duy là đào sâu một vấn đề có nội dung rõ ràng, nên phải cần có sự đầu tư nghiêm túc và nhất là phải chọn lọc đề tài đàng hoàng để đỡ tiêu phí thời gian, năng lượng, và bớt xả " rác" vào trong kho tâm thức. Vậy nên trước khi tư duy, ta phải gạn hỏi: " Tại sao ta muốn tư duy vấn đề này?", " Có thực sự cần thiết không?", " Có thể bỏ qua tư duy đề tài này không?".

  Nhưng phần lớn là ta bị tư duy chứ không phải muốn tư duy, tức là không chủ động tư duy, tư duy mà không hay mình tư duy, ý thức hoàn toàn chìm trong dòng tư duy mà không nắm bắt được nội dung tư duy, nên ta phải hỏi câu khác để đánh thức: " Ta có đang tư duy không?/ Đó là gì vậy? / Tới đâu rồi?".

  Đề tài tư duy cần thiết, theo ta, thường là những đề tài phục vụ cho công việc làm ăn hay liên hệ tình cảm. Tuy nhiên còn có những đề tài khác quan trọng hơn mà ta cần phải tư duy nhiều hơn, đó là: làm sao để làm chủ bản thân, làm sao để có bình an hạnh phúc, làm sao để giúp người thân bớt khổ, làm sao để giúp cộng đồng tiến bộ, làm sao để sống một đời sống có ý nghĩa thực sự?

  Thời điểm đúng đắn: Muốn tư duy cho thấu đáo một vấn đề, nhất là những vấn đề lớn, phức tạp, nhưng đã nói là phải cần đủ năng lượng và sự tỉnh táo, cho nên việc chọn thời điểm nào để tư duy là hết sức cần thiết. Điều này rất khó vì thói quen hầu hết chúng ta là đụng đâu tư duy đó, tận dụng mọi lúc mọi nơi, họp hành, ăn uống, lắng nghe chia sẻ... và cả những khi nguy hiểm như đang lái xe, băng qua đường, sửa điện, xẻ gỗ,...

  Thời điểm tư duy thích hợp và hiệu quả nhất là buổi sáng sớm hay sau giờ ngồi thiền, đầu óc ta lúc ấy chưa có nhiều " rác rến" nên nhìn thấu được nhiều thứ. Ngoài ra, những lúc làm những công việc nhẹ nhành, thư thả và có tính chất lặp đi lặp lại mà không cần chú ý vào nó nhiều như tưới cây, nhỏ cổ, uống trà, đi bộ,... vẫn có thể đem đề tài cần tư duy ra, hoặc nó tự động đến thì cứ hoan hỷ đón nhận. Nói chung lúc nào thấy tâm trí và năng lượng ổn định, cộng với bối cảnh phù hợp thì cứ tư duy, miễn sao đừng để bị cuốn vào nó hoặc tư duy quá lâu mà đánh mất cơ hội tiếp xúc sâu sắc với thực tại mầu nhiệm đang diễn ra.

  Trạng thái không tư duy, định tâm hay an trú trong hiện tại, thực ra là điều kiện rất cần thiết giúp cho tiến trình tư duy diễn ra nhanh gọn và hiệu quả.

  Thái độ đúng đắn: Thường khi tư duy, ta chỉ chú ý đến kết quả chứ ít khi quan tâm đến thái độ hay cách thức tư duy, trong khi điều này có ảnh hưởng đến kết quả tư duy, cả tâm tính và phẩm chất đời sống của ta nữa.

  Trong khi tư duy ta vẫn nhớ duy trì sự tỉnh thức, cảm nhận toàn thân, hơi thở, quan sát cảm giác, nhất là diễn biên tâm lý trong suốt tiến trình tư duy. Nếu thấy căng thẳng, thấy tư duy khá lâu rồi mà chẳng có kết quả gì, hoặc nhận ra mình đang bị cuốn vào dòng tư duy thì nên dừng lại, để lúc khác.

  Nếu cần phải giải quyết gấp, trước khi quay lại tư duy, ta nên ngồi thiền vài phút cho vọng tưởng lắng xuống, chút ánh sáng trí tuệ hé lên, hoặc ít nhất là lấy lại chút năng lượng, cân bằng, và tỉnh táo. Trước khi tư duy một đề tài lớn, khó, rắc rối, ta cũng nên quay về thực tập thư giãn sâu, định tâm sâu, nạp đầy năng lượng rồi hãy bước vào " trận chiến". Đừng chủ quan mà coi thường khâu chuẩn bị, tư duy đôi khi cần sự bình tâm sáng suốt hơn là sự thông minh lanh lẹ.

  Để bớt rối rắm và tư duy hiệu quả, ta nên viết ra những gì cần tư duy, sắp xếp các đề tài cần thiết theo thứ tự, gạch bỏ bớt những đề tài không cần thiết hay không liên quan, đánh dấu những đề tài chưa thể giải quyết liền được. Viết ra cẩn thận từng dòng tư duy còn giúp ta nhìn rõ và sâu hơn vấn đề, bởi khi viết ta tập trung hơn vào đề tài mà không dễ bị chi phối bởi các đề tài khác.

Điều đặc biệt là khi tâm ta đã tĩnh lặng, vững chãi, an nhiên... nhìn lại vấn đề nan giải ta thấy nó không còn nặng nề như trước nữa. Thậm chí ta thấy vấn đề đó cũng chẳng còn quá quan trọng, không cần phải giải quyết cho bằng được, vì giờ đây ta đang có những giây phút tuyệt vời trong hiện tại để nắm bắt rồi.

 

Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm

# Thầy Minh Niệm, # Làm như chơi, # MinhNiem, #Lamnhuchoi.